- Hàng loạt tân tiến sĩ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là tác giả chính của nhiều công bố quốc tế
- ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ 100 triệu đồng cho nhà khoa học trẻ có công bố quốc tế Q1,Q2
- Giải pháp kiểm soát "liêm chính học thuật" và "xếp hạng đại học" thực chất
- Xếp hạng đại học quốc tế: Giải pháp nào để thu hẹp khoảng cách Việt Nam với các nước trong khu vực?
Công bố khoa học quốc tế chiếm hơn 80,78% các sản phẩm
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua đội ngũ nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tăng cả về chất lượng và số lượng; cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phát triển KT-XH được quan tâm đầu tư; các công bố khoa học quốc tế của các cơ sở GDĐH tăng, chiếm hơn 80,78% các sản phẩm khoa học, sản phẩm chuyển giao khác đóng góp quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) cho giáo dục. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa ở thị trường trong nước và thế giới.
Tốc độ tăng trưởng nhanh về sản lượng nghiên cứu đã góp phần đưa một số trường đại học vào bảng xếp hạng đại học quốc tế.
Cụ thể, năm 2019, lần đầu tiên đại học Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng uy tín, bao gồm: Xếp hạng học thuật của các trường đại học thế giới (ARWU) (một trong top 901-1.000); xếp hạng THE (hai trường trong top 801-1.000, một trong top 1.000+); và xếp hạng QS (một trường trong top 400-550).
Về xếp hạng quốc tế theo nhóm ngành, tại bảng xếp hạng các cơ sở GDĐH theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở GDĐH của Việt Nam được xếp hạng trong top 51-630 tốt nhất thế giới. Trong đó, kết quả tập trung nhiều tại top 351-500, tại ngành Kỹ thuật với 5 nhóm ngành được xếp hạng và tại 4 cơ sở GDĐH gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục 11 cơ sở GDĐH được xếp hạng trong QS AUR 2023 và 09 đại diện vào bảng xếp hạng của THE.
Theo TS. Thiều Huy Thuật, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên, nỗ lực để có mặt trong các bảng xếp hạng đại học tốt nhất trên thế giới của các trường đại học Việt Nam rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, theo thống kê số đại học vào top 1.000 của ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2020, Việt Nam đứng cuối cùng, sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Theo đó, tại mỗi bảng QS và THE, Việt Nam chỉ có hai trường góp mặt trong top 1.000 và không có đại diện nào ở Webometrics. Trong khi đó Indonesia là 9, 3 và 2, còn Thái Lan là 8, 5 và 6.
Ngoài ra, Trung Quốc, quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng, có đến 40 đại diện ở top 1.000 QS, 63 THE và 103 Webometrics. Xét tỷ lệ nghiên cứu trên một triệu dân giai đoạn 2010 - 2017, Việt Nam tăng từ 23 lên 63, thấp hơn với mức 10 - 71 của Indonesia, 140 - 212 của Thái Lan và còn kém xa mức 4.092 - 4.813 của Thuỵ Sĩ, quốc gia đứng đầu danh sách. Trong 10 năm 2008-2018, Việt Nam tăng từ vị trí 64 lên 45 về chỉ số đổi mới toàn cầu nhưng vẫn đứng chót về hầu hết chỉ số khác.
Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ
Theo Bộ GD-ĐT, các cơ sở GDĐH nhận được số tiền tài trợ của Chính phủ cho nghiên cứu ít hơn nhiều so với hệ thống viện nghiên cứu nhà nước (1,4% so với 26,93% - theo dữ liệu năm 2017).
Tuy nhiên, các cơ sở GDĐH có số lượng bài báo quốc tế ISI cao gấp 4 lần so với khối các viện nghiên cứu tạo ra (80,78% so với 19,22% - theo số liệu giai đoạn 2011-2019).
Trong năm 2004 và 2008, các trường đại học Việt Nam chiếm 55% tổng số công bố quốc tế được bình duyệt. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2019, con số này đã tăng lên hơn 80%; các viện nghiên cứu chiếm dưới 20%. Mặc dù vậy, chỉ 1/4 các trường đại học (66/235) có các công bố quốc tế ISI.
Trong bối cảnh chung là ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển rất hạn hẹp thì kinh phí dành cho nghiên cứu ở các cơ sở GDĐH cũng rất hạn chế.
Bộ GD-ĐT cho biết, trong cả quá trình phát triển, cả hệ thống GDĐH mới chỉ sở hữu khoảng gần 200 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích trong nước và vài chục bằng sáng chế quốc tế. Các trường đại học còn thiếu các văn phòng chuyển giao công nghệ, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn 2010 - 2015, số lượng công bố quốc tế trong các cơ sở GDĐH không nhiều. Trong giai đoạn 2016-2022, số lượng các bài báo khoa học do giảng viên các cơ sở GDĐH công bố trên WoS tăng từ 2.107 vào năm 2016 lên 7.502 vào năm 2020 (tăng 3,56 lần), chiếm 69,1% tổng số bài báo WoS của cả nước; số lượng bài báo công bố trên tạp chí SCOPUS tăng từ 4.735 vào năm 2016 lên 18.130 vào năm 2020 (chiếm 92,4% số bài báo SCOPUS của các nước) và năm 2022 đạt 18.557.
Trong số 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022 thì có tới 09 tổ chức là các cơ sở GDĐH. Mặc dù vậy, số công bố/giảng viên, chỉ số trích dẫn của các công trình khoa học của Việt Nam nói chung và giảng viên nói riêng vẫn còn khiêm tốn.
TS. Thiều Huy Thuật nhận định, số lượng các công bố quốc tế của các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực. Hiện nay, số lượng và chất lượng các công trình công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế đã trở thành thước đo quan trọng về chất lượng GDĐH ở các quốc gia.
Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ, nhưng số lượng công bố quốc tế còn khá hạn chế, chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp hơn so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore.
TS. Thiều Huy Thuật cho rằng, GDĐH muốn tham gia hội nhập quốc tế với khu vực và thế giới cần nhiều giải pháp, trong đó cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các công bố quốc tế, từ đó góp phần cải thiện thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam ngày càng được cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trên thế giới.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong giai đoạn 2013- 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT, gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, bảo hộ giống cây trồng, nhãn hiệu hàng hóa…) tại Việt Nam là 9,1%/năm, trong đó đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) của chủ thể Việt Nam đạt trung bình khoảng 150 đơn/năm và đang tăng nhanh hơn so với đơn của chủ thể nước ngoài.
Tỉ trọng số lượng đơn đăng ký sáng chế như sau: Khối doanh nghiệp 40%; cá nhân 34%; trường đại học 15,5%; viện nghiên cứu 10,3%.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2021 -2022, số lượng giảng viên (GV) 85.077, tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ tăng đạt khoảng 38.9% (so với khoảng 11% năm 2011), tỉ lệ GV có trình độ đại học vẫn chiếm khoảng 7.9% (năm 2011 chiếm khoảng 47%).
Tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng đều trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, trong đó giáo sư tăng từ 0,4% lên đến 0,9%; phó giáo sư từ 2,8% lên đến 6,5%. Trong số nhiều yếu tố quyết định chất lượng và mức độ phù hợp thực tiễn của giáo dục đại học, giáo viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất.