Giải pháp kiểm soát "liêm chính học thuật" và "xếp hạng đại học" thực chất

- Thứ Tư, 15/11/2023, 11:00 - Chia sẻ

Trong thời gian đây, dư luận có nhiều tranh luận về hoạt động phát triển nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học, liêm chính học thuật và đặc biệt là xếp hạng đại học thế giới. Việc tranh luận này, mong muốn giáo dục đại học Việt Nam có chất lượng thực sự là một việc hoàn toàn chính đáng, thể hiện mong muốn thành tựu thực và đẳng cấp thực và sự tự hào thực.

Báo Đại biểu Nhân dân xin giới thiệu bài viết phân tích về các vấn đề xếp hạng đại học, liêm chính học thuật từ quy định đến thực tế và đề xuất giải pháp của TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường Đại học Văn Lang.

Giải pháp kiểm soát liêm chính học thuật và xếp hạng đại học thực chất -0
Sinh viên trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội

Nghị định 109: Văn bản “mở” để các đại học phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm

Hiện nay, hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học (gọi chung: đại học) được thực hiện theo Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30.12.2022 Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt: Nghị định 109).

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01.03.2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công văn số 1546/BGDĐT-KHCNMT ngày 11/04/2023 gửi các đại học về việc triển khai Nghị định 109.

Tại Khoản 1 của Điều 31 trong Nghị định 109 có quy định trách nhiệm của các đại học là ban hành quy định chi tiết về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo đại học và sau đại học, bảo đảm tính dân chủ, minh bạch và trách nhiệm giải trình; chịu trách nhiệm về phân cấp quản lý và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Điểm này cho thấy Nghị định 109 chỉ là khung pháp lý mang tính tổng quát, mang tính định hướng và hướng dẫn để các đại học biết và thực hiện. Nhiệm vụ của các đại học là phải nghiên cứu Nghị định này, các văn bản liên quan khác và đồng thời có thể tham khảo thêm các thông lệ quốc tế để ban hành các quy định nội bộ cho đại học để thực hiện từng nội dung trong Nghị định 109. Từ đó, có thể thấy Nghị định 109 là văn bản “mở” để các đại học phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, Nghị định 109 cũng một lần nữa khẳng định về vai trò của nghiên cứu khoa học ở đại học, cụ thể tại Điểm a Khoản 1 của Điều 4 chỉ rõ rằng hoạt động khoa học và công nghệ cùng hoạt động đào tạo là nhiệm vụ chính của cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, các khái niệm đại học nghiên cứu hay đại học giảng dạy hay đại học không nghiên cứu hay đại học chưa nghiên cứu đã được bàn nhiều và nay có thể không còn phù hợp với Nghị định 109; một lần nữa cho thấy sự quyết tâm đẩy mạnh chất lượng các đại học của Chính phủ, trên cơ sở tham mưu và quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi lẽ, đại học phải gắn liền với hai hoạt động chính là nghiên cứu và đào tạo.

Có thể là trong mỗi giai đoạn phát triển của một đại học, mức độ và cường độ đầu tư cho nghiên cứu khoa học có thể khác nhau. Những đại học mới được thành lập hoặc còn nhiều khó khăn thì có thể chỉ nên đầu tư nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tạo bậc đại học.

Đối với những đại học đã qua giai đoạn tồn tại và tiến đến giai đoạn bứt phá để nâng tầm thì chắc chắn sẽ phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách bài bản và chuyên sâu, trong đó hoạt động chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu sẽ phải là kim chỉ nam cho sự phát triển với sự tập trung đặc biệt cho hoạt động chuyển giao tri thức vào bậc đào tạo sau đại học.

Các đại học tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật

Trong thời gian gần đây, vấn đề liêm chính học thuật hoặc liêm chính nghiên cứu thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng học thuật và của cả đại chúng. Điều 20 của Nghị định 109 đã nêu rõ là các đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và đồng thời ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi vi phạm liêm chính học thuật.

Khoản 8 thuộc Điều 31 của Nghị định 109 cũng nhấn mạnh là các đại học tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đại học.

Theo Nghị định 109, mỗi đại học có thể đã có quy định về liêm chính học thuật và các giải pháp quản lý vấn đề này theo đúng  quy định. Những quy định về liêm chính học thuật trong Nghị định 109 là khung pháp lý mang tính khái quát. Do đó, các đại học cần căn cứ vào thực tiễn đơn vị, bối cảnh Việt Nam, thông lệ quốc tế về quản trị nghiên cứu khoa học và các quy định khác của pháp luật khi nghiên cứu và ban hành quy định nội bộ một cách cụ thể và chi tiết.

Giải pháp kiểm soát liêm chính học thuật và xếp hạng đại học thực chất -0
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại buổi Toạ đàm “Liêm chính học thuật trong Nghiên cứu khoa học”

Việc xem xét liêm chính học thuật cũng cần có các giải pháp đặc thù trong quản trị nghiên cứu thông qua những bộ phận rất đặc biệt như hội đồng liêm chính học thuật, ủy ban đạo đức nghiên cứu, … Những bộ phận này cần phải được điều hành bởi những chuyên gia có am hiểu sâu về liêm chính học thuật, về quản trị nghiên cứu khoa học, và đặc biệt là có kinh nghiệm và bản lĩnh giải quyết các vấn đề về liêm chính học thuật một cách khoa học nhất.

Hành vi vi phạm liêm chính học thuật cơ bản gồm gian lận, bịa đặt và đạo văn. Đối với việc gian lận trong nghiên cứu khoa học thì có nhiều hành vi có thể kể đến.

Tuy nhiên, có thể nói hành vi ngụy tạo thông tin tác giả, thông tin kết quả nghiên cứu, thông tin cơ quan/tổ chức trong các sản phẩm khoa học, hoặc làm sai lệch vai trò, vị trí hoặc sự đóng góp của tác giả, tổ chức trong các sản phẩm khoa học là khá phổ biến và có thể dẫn đến nhiều tranh cãi.

 Thêm nữa, việc xem xét và kết luận liệu một người làm nghiên cứu có vi phạm liêm chính nghiên cứu hay không cần phải dựa vào quy định và được hội đồng hoặc ủy ban đạo đức nghiên cứu của đại học xem xét một cách tổng thể, dân chủ và đa chiều trước khi ra kết luận.

Việc một giảng viên cơ hữu của Đại học X ghi tên Đại học Y trong các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học đã và đang gây ra rất nhiều tranh luận đa chiều và có dấu hiệu kéo dài, bởi các bên tham gia tranh luận đều rất quyết liệt và đều có những lý lẽ riêng. Đương nhiên, tại mỗi thời điểm, một người chỉ được làm nhân sự cơ hữu cho duy nhất một tổ chức.

Về nguyên tắc quản trị nghiên cứu khoa học, nhân sự cơ hữu phải ghi tên cơ quan làm việc của họ và đồng thời không được tùy ý sử dụng tên của các cơ quan/tổ chức khác trong các công bố khoa học.

Câu hỏi được đặt ra làm thế nào để một giảng viên cơ hữu của Đại học X có thể ghi tên Đại học Y trong các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học? Vấn đề này có thể giải quyết dứt điểm thông qua một trong những mô hình dưới đây:

Thứ nhất, việc một giảng viên cơ hữu của Đại học X ghi tên Đại học Y trong các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế mà không có bất kỳ thỏa ước nào một cách chính thức với Đại học Y (như hợp đồng làm việc hay hợp tác nghiên cứu) thì giảng viên này có thể vi phạm lỗi ngụy tạo thông tin cơ quan/tổ chức trong sản phẩm khoa học. Ít nhất một đại học (X hoặc Y) có thể xử lý hành vi này của vị giảng viên cơ hữu theo quy định liêm chính học thuật của đại học.

Thứ hai, một điều chắc chắn rằng giảng viên cơ hữu của Đại học X phải tuân thủ các luật, quy định liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để có thể ký hợp đồng làm việc hay hợp tác nghiên  cứu với Đại học Y trong một khoảng thời gian nhất định, vị giảng viên cơ hữu này phải được sự đồng ý của thủ trưởng của Đại học X; ngược lại, vị giảng viên có thể vi phạm các luật và quy định liên quan mà Đại học X đang áp dụng.

Trong trường hợp có hợp đồng như thế, hợp đồng này có thể được xem là hợp đồng kiêm nhiệm, hợp tác, … và Đại học Y không được dùng thông tin của giảng viên này để báo cáo số liệu cho các cơ quan quản lý để đáp ứng các chỉ tiêu này nọ mà quy định chỉ áp dụng đối với nhân sự cơ hữu.

Thứ ba, đối với các dự án nghiên cứu mà Đại học X đầu tư, có thể sẽ có những khoản kinh phí lớn và kèm theo đó là yêu cầu về sản phẩm nghiên cứu từ dự án này. Nếu vị giảng viên cơ hữu của Đại học X được phép ký thêm hợp đồng nghiên cứu (không cơ hữu) với Đại học Y và vị này có liên quan đến dự án nghiên cứu đã nêu thì việc sử dụng tên của Đại học Y trong các bài báo khoa học phải được sự đồng ý của Đại học X.

Thứ tư, nếu một giảng viên cơ hữu của Đại học X được phép ký hợp đồng làm việc/nghiên cứu (không cơ hữu) Đại học Y và sản phẩm nghiên cứu của vị giảng viên không xuất phát từ nguồn lực hữu hình mà Đại học X đầu tư thì vị giảng viên hoàn toàn có thể ghi Đại học Y trong các bài báo khoa học (đối với các sản phẩm nghiên cứu này mà Đại học X đã đồng ý).

Trong trường hợp việc vị giảng viên cơ hữu của Đại học X ký hợp đồng nghiên cứu với Đại học Y được diễn ra theo đúng quy định của các bên liên quan, việc thực hiện hợp đồng này nên được triển khai thông qua đề tài nghiên cứu khoa học có thuyết minh, xét duyệt, quyết định tài trợ, đánh giá nghiệm thu theo định hướng phát triển nội lực, có hiệu quả cụ thể (đối với người học và/hoặc giảng viên của Đại học Y, có thể đối với cả cộng đồng), và đồng thời phù hợp với các hướng nghiên cứu chiến lược của Đại học Y.

Việc này có thể xem xét được thực hiện theo mô hình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của đại học theo Điều 22 của Nghị định 109, trong trường hợp này thì tinh thần là các đại học có thể hợp tác với các nguồn lực bên ngoài để xây dựng nội lực lâu dài và bền vững.

Việc hợp tác này cũng đã được chỉ rõ tại Điểm e, Khoản 1 của Điều 3 trong Nghị định 109 rằng một trong những nội dung hoạt động khoa học và công nghệ trong các đại học có bao gồm hợp tác khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Luật giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 cho phép giảng viên cơ hữu của một đại học có thể hợp tác nghiên cứu với một đại học khác. Cụ thể, Khoản 3 của Điều 70 có quy định giảng viên được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại đại học khác.

Việc thực hiện các mô hình như đã giới thiệu ở trên cần căn cứ vào quy định nội bộ và những quy định khác mà các đại học liên quan đang áp dụng, đặc biệt là quy định về liêm chính học thuật theo Nghị định 109 của Chính phủ, và các quy định khác của pháp luật.

Do đó, giải pháp căn bản để giải quyết tranh chấp và đồng thời có thể ngăn ngừa các vấn đề hoặc hệ lụy liên quan đến việc ghi tên cơ quan trong các bài báo khoa học là việc nghiên cứu và ban hành các quy định về quản trị nghiên cứu khoa học, trong đó có quy định về liêm chính học thuật theo tinh thần của Nghị định 109.

Ngược lại, một khi có những phát sinh trong quản trị nghiên cứu thì có thể dẫn đến những lúng túng trong cách giải quyết hoặc có thể dẫn đến những tranh cãi không hồi kết. Điều này xảy ra thì có thể làm tổn thương rất lớn đến các giảng viên và cả các đại học.

Giải pháp kiểm soát liêm chính học thuật và xếp hạng đại học thực chất -0
Việc xem xét liêm chính học thuật cũng cần có các giải pháp đặc thù trong quản trị nghiên cứu thông qua những bộ phận rất đặc biệt như hội đồng liêm chính học thuật, ủy ban đạo đức nghiên cứu...

Nghiên cứu khoa học và xếp hạng đại học: Thách thức đối với các đại học

Xếp hạng đại học là một xu thế tất yếu của các đại học trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vì nó phù hợp với dòng chảy lịch sử về xếp hạng đại học trên thế giới. Các đại học danh tiếng trên thế giới đều được xếp vào những bảng xếp hạng xếp hạng khác nhau.

Hơn nữa, xếp hạng đại học thế giới còn là một thươc đo rất quan trọng để định vị các đại học trên bản đồ đại học toàn cầu, và đồng thời có thể góp phần phản ánh sức mạnh và chiều sâu của một quốc gia.

Do đó, nhiều đại học trên thế giới và nhiều nước trên thế giới có những chiến lược và nguồn lực đầu tư mạnh mẽ để có những đại học được hạng cao trên thế giới. Khi đã nói đến thước đo trong xếp hạng đại học thì chắc chắn bao giờ cũng có thể tranh cãi, bởi lẽ rất khó để có một thước đo toàn diện cho một khái niệm cần đo.

Đối với các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như ARWU, US News, SCImago, THE hay QS, tiêu chí về nghiên cứu khoa học rõ ràng chiếm một tỷ trọng nhất định; tỷ trọng này cao hay thấp tùy bảng xếp hạng. Tuy xếp hạng đại học là kênh tham khảo rất quan trọng như đã nói, nhưng cũng có nhiều ý kiến về sự không tương đồng giữa kết quả xếp hạng và chất lượng/đẳng cấp thực sự của các đại học được xếp hạng.

Thực tế cho thấy, các đại học, nhất là các đại học ở các nước đang phát triển, có thể cần có các kỹ chiến thuật nhất định để có thể chen chân vào các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Các đại học này gần như khó có điều kiện để được đầu tư một cách bài bản và phát triển một cách đồng bộ để có thể hiên ngang được vào các thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng đại học uy tín – nơi gần như chỉ dành cho những đại học có đẳng cấp cao.

Việc công luận luôn quan tâm đến thứ hạng thế giới và chất lượng thực sự là một việc hoàn toàn chính đáng, thể hiện mong muốn thành tựu thực và đẳng cấp thực và sự tự hào thực.

Thực tiễn 10 năm qua cho thấy việc phát triển nghiên cứu ở các đại học và xuất bản các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trên thế giới và cũng như việc các đại học được vào các bảng xếp hạng đại học uy tín là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc phát triển và thành tựu cần được tương đồng với đẳng cấp thực sự. Đây là một kỳ vọng chính đáng của cả cộng đồng.

Đối với nghiên cứu khoa học thì nếu chỉ dừng lại ở sản phẩm làm ra mà không chuyển giao một cách hiệu quả thì có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực. Và ở các đại học thì việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu dưới dạng tri thức mới vào người học là con đường chính yếu để nâng cao chất lượng thực sự, bên cạnh một số hình thức chuyển giao khác.

Từ đó, các sản phẩm nghiên cứu có thể vừa đóng góp vào việc nâng cao đẳng cấp thực sự và đồng thời vào việc xếp hạng của các đại học. Suy cho cùng thì việc nâng đẳng cấp thực sự thông qua chuyển giao công nghệ, trong đó chuyển giao tri thức như đã nêu là một hình thức, khó hơn nhiều so với việc nâng hạng đại học. Đây thực sự là một thách thức đối với các đại học, nhất là các đại học ở các nước đang phát triển.

Cũng cần nói thêm, nếu một đại học có hàng loạt sản phẩm nghiên cứu do lực lượng cơ hữu tạo ra nhưng chỉ dừng lại ở việc đếm số sản phẩm này mà hầu như không thể chuyển giao được, tối thiểu là chuyển giao tri thức, thì nguồn lực đầu tư cho những nghiên cứu như thế vẫn chưa được phát huy hiệu quả và có thể xem là lãng phí, nhất là đối với tài sản công.

Do đó, các đại học có thể phát triển hợp tác trong nghiên cứu trên cơ sở đích đến là nội lực, nhưng để đánh giá hiệu quả thì chuyện xem xét nội lực hay ngoại lực chỉ là một khía cạnh về mặt hình thức; thực chất và chiều sâu là cần xem xét một cách có hệ thống đối với hoạt động chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu.

Không phải ngẫu nhiên mà hình như những chuyên gia của các đoàn kiểm toán Nhà nước hay của các đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể rất quan tâm và chất vấn đại diện các đại học về hoạt động chuyển giao, đặc biệt là chuyển giao tri thức vào người học, khi kiểm toán hay kiểm tra hoạt động nghiên cứu khoa học của các đại học.

Giải pháp kiểm soát liêm chính học thuật và xếp hạng đại học thực chất -0
Chiến lược quản trị nghiên cứu khoa học cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản và phải đi tiên phong (Ảnh: minh hoạ)

Phải có chính sách để mô hình “bài - tiền - bài” chuyển thành đề tài/dự án nghiên cứu

Chiến lược quản trị nghiên cứu khoa học cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản và phải đi tiên phong. Các chính sách quản trị nghiên cứu là công cụ dẫn đường để có thể giúp thực hiện tốt các kế hoạch phát triển nghiên cứu đã được đề ra.

Có thể nói, chính sách quản trị nghiên cứu tựa như những con đường và nhà khoa học như những chiếc siêu xe. Nếu không có những con đường thì những chiếc siêu xe chỉ biết nằm chờ để bị rỉ sét theo năm tháng; hoặc nếu siêu xe di chuyển trên đường gồ ghề thì cũng dễ bị hư hỏng, đi rất chậm hoặc có thể gây tai nạn. Nghĩa là, nhà khoa học không thể phát huy giá trị nếu không có những chính sách tốt.

Do đó, việc nghiên cứu và ban hành các chính sách quản trị nghiên cứu giúp các đại học được vận hành một cách trơn tru, tiết kiệm, hiệu quả tối ưu và giảm thiểu những xung đột lợi ích và lãng phí nguồn lực không đáng có.

Trên cơ sở quy định và hướng dẫn của Nghị định 109 của Chính phủ, để có thể kiểm soát tốt các vấn đề đã được trình bày ở trên, các đại học nên xem xét đầu tư nghiên cứu chính sách để tiến tới ban hành/cập nhật các quy định nội bộ về quản trị nghiên cứu theo các định hướng cụ thể như sau:

Thứ nhất, Quy định mới về nâng cao thu nhập của giảng viên, nghiên cứu viên nhất là những người có năng lực nghiên cứu tốt theo hướng thực chất và có chuyển giao và bền vững để họ có thể an tâm công tác mà không phải đi ký hợp đồng thêm với các tổ chức khác.

Thứ hai, Quy định cụ thể về các mô hình hợp tác phát triển nghiên cứu mà giảng viên, nghiên cứu viên có thể áp dụng để tránh những rủi ro cho tất cả các bên liên quan.

Thứ ba, Kịp thời bổ sung và triển khai hiệu quả các quy định về sở hữu trí tuệ và liêm chính học thuật, trong đó cần có hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm và quyền lợi trong quá trình thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ của đại học hoặc hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Thứ tư, Thành lập và vận hành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để có thể áp dụng các mô hình quản trị nghiên cứu khoa học theo hướng tiên tiến trên cơ sở chuyển giao để mang lại giá trị tối ưu và thực chất cho đại học, và cũng để thu hút thêm nhiều nguồn lực giúp đại học phát triển.

Và với mô hình quản trị nghiên cứu này, việc phát triển bài báo khoa học theo mô hình “bài-tiền-bài” (một giai đoạn lịch sử cần được tôn trọng để nghiền ngẫm, đương nhiên phải trừ những trường hợp ngoại lệ) sẽ từng bước được thay thế bởi các đề tài/dự án nghiên cứu được quản trị một cách chặt sẽ từ giai đoạn đầu vào, cho đến giai đoạn thực hiện và có thể kiểm soát giá trị mang lại theo hướng tối ưu.

Thứ 5, Ưu tiên phát triển nội lực và cũng cần có kỹ chiến thuật trong phát triển nhưng cần xác định đích đến vẫn là nội lực và bền vững. Tạo cơ chế về thu nhập, chính sách, môi trường để người làm nghiên cứu phát triển và cống hiến.

Thứ sáu, Tăng cường chuyển giao công nghệ từ các sản phẩm nghiên cứu để xây dựng chất lượng và đẳng cấp thực sự, trong đó ưu tiên cho chuyển giao tri thức vào người học và đặc biệt là người học sau đại học.

Thứ bảy, Xếp hạng đại học thế giới là rất cần thiết và quan trọng nhưng cần kiên nhẫn sao cho hạng và đẳng cấp thực sự có sự tương đồng.

TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường Đại học Văn Lang
#