Hiện nay vẫn chưa có luật AI thống nhất hoặc toàn diện ở cấp quốc tế. Tuy nhiên, một số quốc gia đã thực hiện nhiều bước để hiện thực hóa các luật và quy định về lĩnh vực này.
Liên minh châu Âu (EU): Chiến lược của EU về AI dựa trên 3 trụ cột: thúc đẩy sự phát triển và tiếp thu của AI, chuẩn bị cho những thay đổi kinh tế - xã hội, bảo đảm khuôn khổ pháp lý và đạo đức phù hợp. Vào tháng 4.2021, EU công bố các quy định được đề xuất cho AI, được gọi là Đạo luật Trí tuệ nhân tạo, nhằm cung cấp khung pháp lý cho việc phát triển và triển khai các hệ thống AI ở châu Âu. Nó tìm cách điều chỉnh các hệ thống AI bằng cách chia chúng thành các loại rủi ro khác nhau, áp đặt các nghĩa vụ và yêu cầu. Ngoài ra, EU cũng phát triển một bộ hướng dẫn đạo đức cho AI, được gọi là Nguyên tắc đạo đức cho AI đáng tin cậy. Những hướng dẫn này cung cấp khuôn khổ cho việc phát triển và triển khai các hệ thống AI lấy con người làm trung tâm, minh bạch, có trách nhiệm với xã hội.
Mỹ: Hiện chưa có luật liên bang về AI, nhưng một số bang đã thông qua luật riêng của họ liên quan đến AI. Ví dụ: California ban hành Đạo luật Về quyền riêng tư của người tiêu dùng California (CCPA) và Đạo luật về quyền riêng tư của California (CPRA), cả hai đều bao gồm các điều khoản về AI. Bang Illinois có Đạo luật Phỏng vấn qua video bằng trí tuệ nhân tạo, yêu cầu các công ty thông báo cho người xin việc khi AI sẽ được sử dụng trong phỏng vấn qua video và nhận được sự đồng ý của họ. Hay cơ quan lập pháp bang Washington thông qua một dự luật vào năm 2020 thành lập một nhóm đặc nhiệm để nghiên cứu sự phát triển và tác động của AI…
Trung Quốc: Năm 2017, đã công bố kế hoạch trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Kể từ đó, quốc gia này đã xây dựng một bộ hướng dẫn và quy định cho việc phát triển và sử dụng AI, bao gồm bộ hướng dẫn đạo đức cho nghiên cứu và phát triển AI.
Canada: Năm 2019, Canada đã công bố chiến lược AI quốc gia, bao gồm một bộ hướng dẫn đạo đức cho việc phát triển và sử dụng AI. Quốc gia này cũng đang xem xét xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ để điều chỉnh AI.
Vương quốc Anh: Năm 2021, công bố các quy định đề xuất cho AI, được gọi là Lộ trình AI. Lộ trình vạch ra một loạt các nguyên tắc để phát triển và sử dụng AI, cũng như đề xuất khung pháp lý mới cho AI.
Brazil: Ngày 30.9.2021, Hạ viện Brazil phê duyệt Khung pháp lý Brazil về trí tuệ nhân tạo, gọi là Marco Legal da Inteligência Artificial, trong các nỗ lực quản lý nhằm phát triển và sử dụng công nghệ AI, đồng thời khuyến khích hơn nữa hoạt động nghiên cứu và đổi mới trong các giải pháp AI nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm tính đạo đức, văn hóa, công bằng và trách nhiệm giải trình.
Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE): UAE triển khai chiến lược AI quốc gia vào tháng 10.2017 bao gồm một bộ nguyên tắc đạo đức để phát triển và sử dụng AI. Ngoài ra, Chính phủ UAE cũng thành lập một cơ quan quản lý, Quỹ Tương lai Dubai, giám sát việc phát triển và sử dụng các hệ thống AI.
Singapore: Tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Davos vào tháng 5.2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Singapore Josephine Teo đã thông báo về việc đảo quốc sư tử ra mắt A.I. Verify, là Khung và Bộ công cụ kiểm tra quản trị AI đầu tiên trên thế giới, cung cấp phương tiện để các công ty đo lường và chứng minh mức độ an toàn và đáng tin cậy của các sản phẩm và dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) của họ. Singapore công bố A.I. Verify sau khi ra mắt Khung quản trị AI kiểu mẫu vào năm 2020 và Chiến lược AI quốc gia vào năm 2019.
Châu Phi: châu Phi đang đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng AI toàn cầu, đặc biệt là trong giai đoạn sản xuất ban đầu. Các quốc gia, bao gồm Ai Cập, Rwanda và Mauritius, những nước châu Phi đầu tiên công bố các chiến lược AI quốc gia. Cụ thể, Mauritius xuất bản Chiến lược Trí tuệ nhân tạo Mauritius vào năm 2018, đặt ra tầm nhìn cho AI là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội trên các lĩnh vực then chốt. Ai Cập công bố Chiến lược Trí tuệ nhân tạo quốc gia toàn diện vào tháng 7.2021, nhằm bảo đảm rằng việc áp dụng và các giải pháp AI góp phần hiện thực hóa các ưu tiên phát triển quốc gia. Còn Rwanda đang trong quá trình hoàn thiện và sắp công bố Chính sách AI quốc gia, gồm có sáu lĩnh vực ưu tiên, được chia thành các yếu tố như hỗ trợ, tăng tốc và bảo vệ…
Ít nhất 60 quốc gia đã áp dụng các luật và quy định trí tuệ nhân tạo kể từ năm 2017, dù vậy, sự phát triển của hệ thống pháp luật về AI trên thế giới vẫn đang ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nó đang trở nên ngày càng quan trọng khi AI trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là mối quan tâm chính sách chính trên toàn cầu. Vào năm 2017, Price Waterhouse Coopers, một trong bốn công ty kiểm toán có vị thế hàng đầu thế giới, đã công bố báo cáo chuyên đề của họ, “Sizing the Prize”, dự báo rằng đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.