Chúng tôi đến Yên Minh, một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về cuộc sống của học sinh bán trú trên địa bàn huyện, chị Hoàng Thị Hà, Phó Phòng Giáo dục huyện đã dẫn chúng tôi đến Trường Tiểu học Hữu Vinh - một ngôi trường vừa mới tổ chức cho các cháu ở nội trú được 1 học kỳ nay. Trên đường từ trung tâm huyện đến trường, chúng tôi gặp chị Ngô Thị Mai, giáo viên dự phòng của trường đang mua thực phẩm tại chợ huyện. Mặc dù ở xa trung tâm thị xã hơn 100km nhưng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm ở đây cao ngất ngưởng.
Lưỡng lự khá lâu trước hàng đậu phụ, chị Ngô Thị Mai mới quyết định mua được 3kg về cải thiện bữa ăn trưa cho gần 40 học sinh nội trú của trường với giá 30 ngàn đồng (trước đây giá 3kg đậu này chỉ có 15 ngàn đồng). Chị Mai than thở: Từ sau tết đến giờ giá cả các mặt hàng đều tăng, từ gạo, mắm, muối đến rau củ... trong khi định mức dành cho mỗi cháu vẫn như trước đây chỉ 6.000 đồng/ngày. Bởi vậy, đã lâu lắm rồi, bữa ăn của lũ trẻ trong trường không biết đến miếng thịt, cá tươi, thỉnh thoảng lắm mới được bữa đậu phụ, cá mắm để cải thiện.
Cô giáo Phạm Thị Thoả, Hiệu trưởng Nhà trường đưa cho chúng tôi xem tập đơn giá thực phẩm do nhà bếp thống kê. Nhìn lướt qua, chúng tôi càng thấm thía và chia sẻ với nỗi lo cơm áo gạo tiền của những người nội trợ, nhất là những chị em phải phụ trách bữa ăn hàng ngày cho mấy chục học sinh. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, muối, mắm, gạo đều tăng, nhất là gạo tăng từ 30 – 35 ngàn đồng/kg. Còn giá rau xanh thì biến động theo ngày. “Giá tăng cộng với mặt hàng thực phẩm bị hạn chế vì dịch bệnh gây rất nhiều khó khăn cho việc lựa chọn thực phẩm và lên thực đơn hàng ngày. Ngoài việc ngâm, rửa, sơ chế cẩn thận các loại rau củ, chúng tôi còn phải tính toán chi ly làm sao để lựa chọn được những thực phẩm có giá rẻ hơn thay thế những loại giá cao hiện nay mà vẫn giữ đủ định mức, chất lượng bữa ăn cho học sinh. Chẳng hạn thay thế thịt, cá bằng những loại rau, củ... ước gì một ngày có thêm 100 ngàn đồng thì bữa ăn của lũ trẻ sẽ đỡ đạm bạc hơn” - Cô Thoả tâm sự.
Để tận mắt chứng kiến bữa ăn của các em thời bão giá, chúng tôi đã phải đợi đến bữa ăn trưa. Phòng ăn của các em đồng thời cũng là phòng ngủ, kiêm phòng học, phòng sinh hoạt tập thể... Căn phòng này, rộng chừng hơn 10m2, nhưng có tới hơn chục em cùng ở. Ăn, ngủ, học hành đều được lũ trẻ sử dụng trên tấm phản bằng gỗ. Bữa ăn thật đạm bạc, vài cọng rau dưa nấu thành bát canh to, hai âu cơm trắng. Gọi là cơm trắng cho oai, nhưng cũng có tới 1/2 là cơm cháy (vì phải nấu bằng bếp củi, nồi gang). Thấy có người lạ đến, lũ trẻ dè dặt, đưa mắt dò xét. Tôi hỏi: Các cháu ăn có thấy ngon không? Ngon! Vừa nhồm nhoàm và cơm, chúng vừa trả lời. Cho cô cùng ăn với nhé? Ừ! Rồi một đứa chạy đi lấy bát và đũa. Thú thật, để làm vui lòng các cháu và chiều lòng chị nấu bếp đứng cạnh, tôi đã phải cố nuốt hết gần bát cơm chan với canh rau cải muối dưa... Nhìn mấy đứa trẻ cầm bát cơm ăn ngon lành với canh lõng bõng rau dưa, tôi không khỏi chạnh lòng... Và tôi hiểu, chúng cần lắm sự quan tâm, cần lắm những tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ để một ngày nào đó bữa ăn của những thế hệ tương lai nơi vùng núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không quá đạm bạc như thế…!
Giá cả thì ngày một leo thang, nhưng dù học kỳ I của năm học 2007-2008 đã kết thúc, nhưng cho đến thời điểm này, trường Tiểu học Hữu Vinh vẫn chưa nhận được một đồng kinh phí hỗ trợ nào của tỉnh đối với những học sinh ở bán trú dân nuôi (theo quy định của tỉnh Hà Giang, mỗi học sinh ở bán trú dân nuôi sẽ được tỉnh hỗ trợ 100 ngàn đồng/tháng). Bởi vậy, hơn 6 tháng nay nhà trường đã phải “giật gấu vá vai” để lo đủ hai bữa ăn chính cho gần 40 học sinh, như: vay nóng một phần tiền lương hàng tháng của các giáo viên; mượn tạm tiền từ Quỹ Khuyến học của nhà trường, tạm ứng tiền từ ngân sách xã, mua nợ các cửa hàng lương thực thực phẩm: gạo, rau, muối, dầu ăn... ước tính số tiền nợ đã lên tới hàng chục triệu đồng.
Không chỉ ở Trường Tiểu học Hữu Vinh lao đao vì bão giá, mà hàng trăm điểm trường bán trú khác ở Hà Giang cũng không nằm ngoại lệ. Bữa ăn chỉ với rau xanh đang diễn ra từ ngày này qua tháng khác. Học sinh nội trú dù được hưởng chế độ phụ cấp cao hơn so với học sinh bán trú, nhưng khẩu phần ăn của các học sinh cũng bị cắt giảm rất nhiều do giá leo thang. Theo Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 20 ngàn học sinh ở nội trú, bán trú dân nuôi. Đây đều là những học sinh ở các thôn bản nằm cách xa trung tâm xã, đường đến trường thường phải đi qua sông, suối... Các em được bố trí ăn ngủ ngay tại cơ sở nội trú của nhà trường và được tỉnh hỗ trợ 100 ngàn đồng/tháng/học sinh. Ngoài số tiền này, phụ huynh học sinh sẽ đóng góp thêm gạo, ngô, trị giá 80 ngàn đồng/tháng/người để giúp các em ăn, học. Thế nhưng, trên thực tế ở nhiều nơi, hàng tháng, mỗi em chỉ được gia đình đóng góp trên 10kg gạo hoặc ngô, vì hầu hết gia đình các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Đặc biệt sau đợt rét đậm, rét hại vừa qua, nhiều gia đình ở Hà Giang bị thiệt hại về chăn nuôi, sản xuất, nguy cơ đói giáp hạt là không thể tránh khỏi.
Và tất nhiên, bữa ăn của các em vốn đã đạm bạc, nay lại càng thiếu thốn và đạm bạc hơn khi giá cả leo thang. Sự nghiệp trồng người ở miền núi vốn đã khó khăn, nay lại phải đối mặt với những khó khăn mới...
Thanh Hoàng