
Trước đây, các tiền đạo thường được chia làm nhiều loại. Loại thứ 1 là dạng cầu thủ đa năng, tiền đạo lùi đóng vai trò kiến tạo, có thể tham gia cả tấn công và phòng thủ (kiểu như Rooney). Loại thứ 2 là tiền đạo làm tường, tức là khi có 2 người đá song song thì một người sẽ chọn nhiệm vụ quấy phá, thu hút hậu vệ đối phương để tiền đạo khác rảnh chân dứt điểm (như Hesky). Mẫu thứ 3 là tiền đạo toàn năng như Berbatov, Torres, Ibrahimovic, có khả năng hoạt động độc lập và tận dụng cơ hội nhỏ nhất hay tự mình tạo ra cơ hội. Khi bóng đá phát triển thêm thì còn có những tiền đạo ảo như Ronaldo, Messi, chơi tiền vệ hay tiền đạo lùi nhưng vẫn là những người ghi được nhiều bàn thắng nhất.
Ngoài ra, một loại tiền đạo khác, nhiều khi được coi là tàng hình trên sân, có lối chơi “ăn cắp trứng gà”. Những cầu thủ được gọi là “con cáo trên sân”, chỉ những tiền đạo có lối chơi chộp giật, thường chỉ lảng vảng ở vòng cấm, chờ sai lầm của hậu vệ hay thủ môn đối phương để dứt điểm hay là người kết thúc cuối cùng pha tấn công của cả đội, hay đơn giản hơn chỉ là kiếm chỗ... sút bồi những quả bóng bật ra vào lưới bỏ trống. Dạng tiền đạo này không cần quá toàn diện, nhưng quan trọng là phải nhạy bén với những điểm nóng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của môn thể thao vua, mẫu tiền đạo này đang dần biến mất. Fifa.com đã đưa ra những huyền thoại sống của mẫu hình tiền đạo này như một bản tổng kết nho nhỏ.
|
Vua của mẫu tiền đạo chộp giật này chắc chắn phải là Filippo Inzaghi. Ở tuổi 37, những kỹ năng của Pippo vẫn còn nguyên: di chuyển không bóng, khả năng chọn vị trí, đánh hơi điểm nóng, dứt điểm, phá bẫy việt vĩ, chớp thời cơ. Vikash Dhorasso, từng là đồng đội của Inzaghi khi ở AC Milan nhận xét: “Pippo chính là cái cọc cuối cùng của những đường chuyền quyết định”. Pippo biết chơi tiểu xảo, thường xuyên ngã lăn ra trong vòng cấm địa đối phương, ăn mừng bàn thắng như thể cuộc đời anh sống dựa vào nó. Sir Alex Ferguson thì nhận xét: “Inzaghi sinh ra đã việt vị”, vì số lần việt vị của Inzaghi trong một trận đấu còn nhiều hơn số lần anh sút bóng. Đây là một đặc điểm khác của mẫu tiền đạo này, thường xuyên ở giữa làn ranh giớái của việt vị và không việt vị, họ có thể việt vị 10 lần, nhưng chỉ cần một lần phá bẫy thành công, sẽ có bàn thắng. Hai bàn thắng vào lưới Liverpool trong trận chung kết Champion League 2006 - 2007 là điển hình cho phẩm chất chộp giật của Inzaghi.
Lật lại lịch sử thì những tiền đạo huyền thoại theo kiểu dạng này có thể kẻ đến Gerd Muller, người có vị trí quan trọng trong lịch sử bóng đá Đức và CLB Bayern Munich không kém gì hoàng đế Franz Beckenbauer. Der Bomber (Kẻ dội bom) có bề ngoài hoàn toàn tương phản với biệt danh của mình. Phần thân trên dài, cơ đùi to, trông Muller còn có phần ì ạch. Nhưng hiệu suất 68 bàn/62 lần khoác áo đội tuyển quốc gia của ông vẫn là kỷ lục cho đến hiện giờ, trong đó, khả năng ghi những bàn thắng quyết định của Muller cũng xứng danh con cáo trong vòng cấm địa. Điển hình là bàn thắng trong trận gặp Hà Lan ở World Cup 1974 (2 - 1).
Một tiền đạo khác không nổi tiếng bằng là Delio Onnis, sinh ở Italy nhưng lớn lên ở Argentina. Rất tiếc, ông không gặp thời khi không một lần được khoác áo đội tuyển cả 2 nước nhưng ông hiện là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử giải vô địch Pháp với 299 bàn/15 mùa với phong cách ghi bàn có phần lười biếng.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những tiền đạo cắm có thể kể đến Miroslav Klose, cầu thủ ghi nhiều bàn thắng thứ 2 trong lịch sử World Cup với 14 bàn và 58 bàn/105 lần khoác áo ĐTQG Đức. Kỹ năng của Klose, ngoài đánh đầu, là sự nhạy bén và cái duyên với các bàn thắng. Lối chơi có phần đơn giản và nhạt nhẽo của Klose đôi khi làm các hậu vệ đối phương quên mất sự nguy hiểm của anh.
Nhắc đến những sát thủ trong vòng cấm địa không thể bỏ qua Ruud Van Nistelrooy. Van Gol chỉ thực sự lợi hại trong vòng cấm, nơi anh có thể dứt điểm bằng chân trái, chân phải, bằng đầu, đầu gối hay bất kỳ điểm nào trên cơ thể có thể dùng được để đưa bóng vào lưới. Cứ có bóng đến chân là Nistelrooy đều có thể tìm cơ hội để tung ra cú sút và anh cũng chỉ chăm chăm sút bóng, dù đồng đội ở tư thế thuận lợi hơn. Ích kỷ, đó cũng là đặc trưng của tiền đạo theo phong cách chộp giật.
Những người khác có thể kể đến là Rudi Voller, 47 bàn/90 trận cho màu áo đội tuyển quốc gia, tiền đạo người Bồ Đào Nha Pedro Pauleta, 47 bàn/88 lần, David Trezeguet với 275 bàn/534 trận hay sát thủ mang khuôn mặt trẻ thơ Ole Gunnar Solskjaer, với 261 bàn/453 trận (hiệu suất 0,74), đặc biệt là bàn thắng để đời vào lưới Bayern Munich trong trận chung kết C1 năm 1999.
Với một tiền đạo, thì nhiệm vụ duy nhất là đưa bóng vào lưới, dù bằng cách nào đi chăng nữa. Nhưng ngày nay, khi chiến thuật thay đổi rất nhiều, mẫu tiền đạo kiểu con cáo đang có nguy cơ biến mất vì không HLV nào dại gì lại chấp một người trên sân. Bởi những tiền đạo toàn năng, vừa biết ghi bàn, quấy rối, kiến tạo, phòng thủ và chơi được nhiều vị trí khác nhau như Rooney, Berbatov, Drogba, Anelka, Ibra, Villa... được ưa chuông hơn. Với dòng chảy khắc nghiệt của bóng đá, các tiền đạo này phải tự tìm cách thay đổi mình để tránh bị đào thải.