Giá trị, ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước vận mệnh đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. Theo sáng kiến của Người, ngày 27.3.1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Sau đó, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23.9.1945), ngày 11.6.1948, Bác đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng; nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động mang lại hiệu quả thiết thực; nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất hiện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội…
Kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023), chào mừng Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Đại biểu Nhân dân (5.10.1988 - 5.10.2023), Báo Đại biểu Nhân dân chủ trì, phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Vinh quang Tổ quốc Việt Nam” vào 20 giờ ngày 3.6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Ban Tổ chức mong muốn thông qua chương trình góp phần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong thế hệ trẻ, về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn lên đạt những kỳ tích mới trong công cuộc kiến tạo đất nước hùng cường; đồng thời “cổ vũ, lan tỏa rộng rãi hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước như Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh 75 năm trước”.
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, chương trình ngợi ca những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hy sinh xương máu của bao thế hệ người dân Việt Nam cho hòa bình, độc lập của đất nước, của dân tộc. Qua đó, khẳng định giá trị, ý nghĩa, sức lan tỏa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc từ khi ra đời ngày 11.6.1948 cũng như trong suốt các giai đoạn của cách mạng Việt Nam.
Các ca khúc đi cùng năm tháng
Chương trình nghệ thuật "Vinh quang Tổ quốc Việt Nam” gồm 3 chương, mở đầu bằng tiết mục mashup Hạt gạo làng ta - Đưa cơm cho mẹ đi cày. Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSND Quốc Hưng - Tổng Đạo diễn chương trình cho biết, ý tưởng kết hợp hai sáng tác của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích và nhạc sĩ Trần Viết Bính (thơ Trần Đăng Khoa), êkíp thực hiện mong muốn qua âm hưởng bình dị song phản ánh trọn vẹn sự khốc liệt của chiến tranh, thể hiện ý chí, sự kiên trì và tính siêng năng của người Việt Nam quyết dồn nghị lực và sức mạnh cho chiến trường đánh giặc, giành độc lập cho dân tộc.
NSND Quốc Hưng chia sẻ thêm, khi nhận lời tổng đạo diễn chương trình "Vinh quang Tổ quốc Việt Nam", anh đã thống nhất với toàn bộ êkíp phải làm nổi bật tinh thần của một đêm nghệ thuật với các ca khúc đi cùng năm tháng. Theo đó, chương I Người đi tìm hình của nước sẽ đưa khán giả trở về bối cảnh đầu thế kỷ XX, từ những ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trăn trở về vận mệnh Tổ quốc, đến lúc Người thực hiện ước mơ cháy bỏng ra đi tìm đường cứu nước, mở ra cho dân tộc Việt Nam con đường tiến tới độc lập, tự do. Ngày 5.6.1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Các ca khúc qua phần trình diễn của NSND Quốc Hưng, các ca sĩ Tân Nhàn, Anh Thơ, Thanh Lam thể hiện khát vọng của Bác Hồ mong tìm cho được "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi" trong không gian nghệ thuật sâu lắng, trữ tình mà da diết.
Chương II Màu hoa đỏ là chùm ca khúc ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam, ôn lại chặng đường vinh quang chiến đấu dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để mỗi người chúng ta hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, giá trị của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; từ đó bồi đắp lòng tự hào và nhân lên sức mạnh Việt Nam. Đồng thời, giúp khán giả cảm nhận không gian mênh mông mà rất đỗi thiêng liêng về hình ảnh người lính rời quê hương vào chiến trường, người mẹ già tóc bạc dưới bóng chiều chờ con. Đó còn là tình cảm, sự tri ân tới những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương đất nước, lòng kính yêu vô bờ của người dân Việt Nam tới Bác Hồ...
Bằng phong cách và phối khí hiện đại, chương III Hãy đến với con người Việt Nam tôi thay đổi hoàn toàn so với 2 chương trước, tiết tấu trẻ trung, sôi động. Các giai điệu được viết nên từ khát vọng. Khát vọng của mỗi cá nhân được hòa vào khát vọng lớn lao của cả dân tộc. Khát vọng hóa thân để cống hiến và dựng xây cuộc đời, dựng xây Tổ quốc tươi đẹp. Các ca sĩ, nhóm nhạc trẻ sẽ đưa khán giả hòa vào không gian âm nhạc phóng khoáng, phản ánh tinh thần của lớp trẻ hôm nay mong muốn góp công sức dựng xây đất nước. Đây cũng là lời nhắn nhủ, thông điệp của giới doanh nhân trẻ trong công cuộc kiến tạo đất nước hùng cường.
Xen kẽ chương trình nghệ thuật là phóng sự “Vì một Việt Nam hùng cường”, khẳng định dù trong khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đoàn kết, ra sức thi đua, nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi.