Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa qua.
Kết nối điển hình giữa trường sư phạm và trường phổ thông
Báo cáo về tình hình của nhà trường, PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ khoa học trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ trình độ lĩnh vực khoa học giáo dụ; thiết lập mô hình tiêu biểu về mạng lưới kết nối giữa trường sư phạm với các trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trường có 14 đơn vị đào tạo, với 42 chương trình đào tạo. Quy mô đào tạo là trên 8000 sinh viên đại học chính quy, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tích cực, chủ động tham gia ngay từ những ngày đầu công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhận được phản hồi tích cực của các địa phương.
Nhà trường thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại các tỉnh. Tính riêng Chương trình ETEP (từ 2017 đến nay), trường đã tổ chức bồi dưỡng 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán và hỗ trợ bồi dưỡng gần 60.000 giáo viên phổ thông.
Một trong những nét nổi bật trong đào tạo của Trường Đại học Sư phạm 2 là “thực hiện mô hình kết nối điển hình giữa trường sư phạm và trường phổ thông”. Hằng năm, nhà trường triển khai Hội nghị công tác thực tập sư phạm với các Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các trường phổ thông, mầm non.
Cử giảng viên đến trường phổ thông, mầm non trao đổi chuyên môn, dạy thực nghiệm trong đợt sinh viên thực tập, kết nối với giáo viên theo từng chuyên môn ở các cụm trường, hỗ trợ các trường phổ thông phát triển chương trình nhà trường, chia sẻ với giáo viên phổ thông về các vấn đề cần giải quyết…
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trường đại học sư phạm hàng đầu của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên khu vực phía Bắc và cả nước; là trường đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á về đào tạo giáo viên và kết nối với hệ thống các trường phổ thông..
Bộ trưởng “đặt hàng” Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự quan tâm đặc biệt dành cho khối sư phạm. Bộ trưởng cũng ghi nhận những đóng góp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong sự phát triển chung của ngành, đặc biệt trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông. Nhà trường đã khẳng định được vị trí khá quan trọng trong hệ thống các trường đại học sư phạm trên cả nước, thuộc nhóm 5-7 trường sư phạm hàng đầu.
"Tuy nhiên, từ phía mong muốn của Bộ GDĐT và đòi hỏi của nền giáo dục nước nhà, yêu cầu nhà trường cần phải làm nhiều hơn thế”, gửi gắm điều này, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh vai trò, vị trí hết sức quan trọng của các trường sư phạm trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông.
Theo Bộ trưởng, hệ thống giáo dục phổ thông đang đổi mới từng ngày, phần quyết định quan trọng tới sự đổi mới này nằm ở các trường sư phạm. Sự đổi mới của giáo dục phổ thông cũng sẽ thúc đẩy sự đổi mới của các trường sư phạm. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới ở giáo dục phổ thông đang diễn ra nhanh hơn sự chuẩn bị và sẵn sàng của các trường sư phạm, sự tham gia của các trường sư phạm vào công việc đổi mới này vẫn còn rất “vừa phải”.
“Toàn ngành đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, giải pháp của mọi giải pháp, trọng tâm của mọi trọng tâm, nền tảng của mọi nền tảng là xây dựng, phát triển lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu và chất lượng ngày càng được nâng cao. Lấy việc đổi mới đội ngũ làm điểm xuất phát, làm căn cứ, điều kiện cho các đổi mới khác trong giáo dục. Các trường sư phạm tham gia vào xây dựng lực lượng này, do đó có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển ngành, trong triển khai đổi mới giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với tầm quan trọng mang tính quyết định sự đổi mới giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, trong tư duy phát triển, nếu các trường đại học nói chung phải lấy nhu cầu phát triển đất nước, xã hội, con người làm định vị và dẫn đường trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, thì trường sư phạm ngoài tầm nhìn ấy còn phải lấy tư duy phát triển của ngành làm tư duy phát triển cho mình, lấy nhịp đổi mới giáo dục làm nhịp đổi mới cho mình, lấy cơ hội, thách thức đổi mới của giáo dục làm cơ hội, thách thức cho mình.
Gợi mở một số định hướng phát triển với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Bộ trưởng đề nghị nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ để lựa chọn mô hình, cơ cấu ngành nghề phù hợp, từ đó có mô hình phát triển bền vững theo thông lệ thế giới; rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, nhiệm vụ phát triển đội ngũ phải đặt thành trọng tâm.
“Làm sao đào tạo sinh viên sư phạm ra trường phải tiếp cận ngay được với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phải trang bị cho sinh viên năng lực sư phạm để truyền tải được chương trình mới, không để sinh viên sư phạm ra trường nhưng vẫn theo cách tiếp cận cũ, vẫn phải tập huấn lại”, Bộ trưởng nói.
Từ thực tế đã và đang tham gia vào triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng “đặt hàng” Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 một số việc cụ thể với nhiệm vụ này như: tăng cường tập huấn giáo viên triển khai chương trình mới; khảo sát hiệu quả thực tế của nhóm giáo viên cốt cán; khảo sát, đánh giá bắt nhịp triển khai chương trình mới của đội ngũ giáo viên, từ đó đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp…