Bệnh nhi tên P.Đ.S. (sinh năm 2013, trú tại Tân Tiến, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nhập viện điều trị trong tình trạng có vết thương phức tạp vùng hậu môn trực tràng.
Người nhà bệnh nhi cho biết, trẻ đạp xe, sơ ý trượt mông ngồi vào tay khóa yên xe, sau tai nạn bị rách hậu môn chảy nhiều máu.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy có vết thương từ ống hậu môn ra hố ngồi trực tràng, rách toàn bộ ống hậu môn, đứt toàn bộ cơ thắt, đứt 1 phần cơ nâng, rách lên trực tràng cách đường lược 5cm.
Đánh giá đây là ca bệnh phức tạp, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc đã hội chẩn toàn viện, chuẩn bị phương án phẫu thuật cấp cứu tốt nhất cho người bệnh.
Kíp phẫu thuật do bác sĩ Đặng Tiến Ngọc, Trưởng khoa Khám bệnh thực hiện, đã tiến hành phẫu thuật nội soi tạo hậu môn nhân tạo (giúp phân và khí thoát khỏi cơ thể người bệnh mà không đi qua trực tràng nơi có vết thương), cắt lọc sạch vết thương hậu môn trực tràng, khâu phục hồi cơ thắt hậu môn, khâu phục hồi trực tràng và ống hậu môn theo giải phẫu.
Ca mổ diễn ra thuật lợi và thành công, tình trạng bệnh nhi hiện đã ổn định và đã được xuất viện.
Bác sĩ Đặng Tiến Ngọc cho biết, việc xử trí ban đầu vết thương hậu môn trực tràng rất quan trong và đòi hỏi phải đánh giá đúng tổn thương, can thiệp đúng nguyên tắc sẽ giảm thấp biến chứng và tử vong.
"Trực tràng hậu môn là đoạn cuối của đường tiêu hoá chứa phân nhiều vi khuẩn nên khi thủng rách, tiên lượng nặng do có những biến chứng nhiễm khuẩn lớn như viêm phúc mạc, viêm tấy khoang tế bào lỏng lẻo, cũng như sự phối hợp của tổn thương các cơ quan chung quanh làm cho ngày điều trị kéo dài, phải mổ lại nhiều lần và tỷ lệ tử vong cao.
Trường hợp cháu S. đã kịp thời nhập viện nên việc cấp cứu diễn ra rất suôn sẻ, sau này sẽ được phẫu thuật đóng lại hậu môn nhân tạo khi vết thương vùng hậu môn trực tràng ổn định và cơ thắt hậu môn hoạt động tốt”, bác sĩ Ngọc thông tin.
Được biết, vết thương hậu môn trực tràng là tổn thương thường gặp trong cấp cứu cần được xử trí kịp thời và đúng cách để tránh để lại di chứng.