Sáng 5.6, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an và Bộ Xây dựng về thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì buổi làm việc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa chủ trì buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ đánh giá, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có nhiều quy định mới, thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay... Theo đại diện Bộ Nội vụ, sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo tổ chức công tác triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước. Ngày 30.12.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo...
Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Ánh Chức cho biết, sau 2 năm thực hiện Luật, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã có những chuyển biến tích cực |
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức, quản lý lễ hội tín ngưỡng, theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm sự thống nhất để hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh lành mạnh của nhân dân. Nhìn chung, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, nhiều di tích, lễ hội chưa được rà soát và quy hoạch cụ thể các hạng mục phụ trợ, hệ thống hàng quán dịch vụ; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội ở một số địa phương chưa hiệu quả; công tác tổ chức lễ hội chưa được chú trọng đến bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống; mô hình quản lý tại một số di tích tổ chức hoạt động lễ hội chưa thống nhất, làm cho hoạt động lễ hội ở đó dễ bị lai tạp, sai lệch về ý nghĩa và giá trị…
Báo cáo của các Bộ cũng cho biết, thời gian qua, các vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều hình thức khác nhau, nhưng chưa được kịp thời phát hiện, xử lý; tình trạng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo vẫn diễn biến phức tạp... Để khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới, các bộ ngành kiến nghị Quốc hội chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ các Luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường hoạt động giám sát đối với việc thực hiên quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…
Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện các Bộ liên quan tới lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo |
Tại buổi làm việc, Thường trực Ủy ban mong muốn các Bộ làm rõ thêm tác động của hoạt động du lịch đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; việc tu bổ tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; minh bạch thu, chi tiền công đức; vấn đề quy hoạch và sử dụng đất tại các cơ sở tâm linh; mối liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…
Đánh giá cao báo cáo của các Bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng: Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đi vào cuộc sống, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện tích cực hơn. Tuy nhiên, các Bộ cần nhìn nhận, phân tích xu hướng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới, từ đó có giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn chỉnh quy định pháp luật về lĩnh vực này, qua đó đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, cũng như góp phần bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.