Tạolinh hoạt, chủ động cho địa phương
Thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (dự thảo Luật), nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt đối với các đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước.
Trong đó, tại Khoản 8, Điều 4 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước theo hướng cho phép sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng và các nhiệm vụ chi quy định tại khoản 10 và khoản 10a Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước. Với quy định này, ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật đã mở rộng và xác định được một số nhiệm vụ chi cụ thể hơn so với khoản 2 Điều 59 của luật hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn dẫn đến một số nhiệm vụ cấp thiết khác của địa phương như chi an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu... lại không thể bố trí từ nguồn này do không thuộc phạm vi quy định.
“Việc quy định thiếu linh hoạt như vậy sẽ dẫn đến tình trạng một số địa phương có tăng thu ngân sách nhưng không thể sử dụng nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách để bố trí chi cho các nhiệm vụ cần thiết này, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách”. Từ phân tích trên, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị, nghiên cứu mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước theo hướng: tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng các nhiệm vụ chi quy định tại khoản 10 và khoản 10a Điều 8 của luật này và các nhiệm vụ chi cần thiết khác của ngân sách các cấp.
Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương cần thiết phải hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị trung ương hay các đơn vị sự nghiệp công lập về giáo dục, y tế của cấp trên trong khi ngân sách cấp trên chưa bảo đảm kịp thời. Do đó, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cũng đề nghị, bổ sung quy định “sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách bên cạnh hỗ trợ cho địa phương khác đầu tư xây dựng các dự án quan trọng khác”, đồng thời, bổ sung nội dung “hỗ trợ các công trình dự án xây dựng cơ bản, các dự án, đề án phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của cấp trên đóng trên địa bàn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” tại khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật nhằm bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể cho các địa phương thực hiện.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân chỉ rõ, hiện nay, mức độ tự chủ tài khóa của ngân sách địa phương còn hạn chế, dẫn đến việc phải dựa nhiều vào nguồn lực hỗ trợ của trung ương, ảnh hưởng đến dư địa nguồn lực mà ngân sách trung ương có thể sử dụng cho các mục đích ưu tiên chiến lược thuộc phạm vi ngân sách của trung ương phải đảm bảo. Cùng với đó, những sắc thuế đang phân cấp cho địa phương hưởng 100% số thu đều là những sắc thuế có hiệu suất thu thuế thấp hay những khoản thu có nguồn thu không ổn định. Tỷ lệ phân chia ngân sách để lại nguồn thu cho địa phương còn thấp, chính quyền địa phương bị hạn chế về khả năng tăng nguồn thu cho mình, ngoài các chính sách thu do Trung ương quy định.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra định hướng đổi mới, phân cấp ngân sách nhà nước, phân định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo của chính quyền địa phương.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi các chính sách theo hướng nâng tỷ lệ phần trăm phân chia trong các khoản thu ngân sách cho địa phương và nâng cao chính sách thưởng vượt thu nhằm tạo động lực cho các địa phương trong thu ngân sách để nộp về trung ương cũng như có thêm nguồn lực đầu tư ở địa phương.
Không để “tiền trảm, hậu tấu”
Nhằm tạo sự chủ động trong quản lý, điều hành ngân sách, dự thảo Luật bổ sung quy định giao Chính phủ, UBND tổ chức thực hiện dự toán theo quy định của pháp luật đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết đầu năm.
Cụ thể, theo khoản 3, Điều 4 dự thảo Luật bổ sung điểm d, khoản 5 Điều 19 Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng: đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết theo quy định tại điểm a, b và c khoản này, giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc sử dụng và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hoặc quyết định dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Điểm a, khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật bổ sung điểm d, khoản 2 Điều 30 Luật Ngân sách Nhà nước như sau: đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết theo quy định tại điểm a, b và c khoản này, giao UBND tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, định kỳ báo cáo Thường trực HĐND việc sử dụng và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp HĐND cùng cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hoặc quyết định dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, việc bổ sung các nội dung trên là chưa phù hợp, bởi lẽ, khoản 5 Điều 19 Luật Ngân sách nhà nước quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong quyết định phân bổ ngân sách trung ương đối với từng hạng mục chi cụ thể. Trong khi đó, nội dung đề xuất, bổ sung thực chất là các khoản chi phát sinh do Chính phủ chủ động thực hiện, vì vậy không thể bố trí vào các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Mặt khác, vấn đề này cũng cần phải xem xét, cân nhắc kỹ bởi các khoản chi phát sinh chưa rõ là các khoản chi gì, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng các khoản chi.
Đối với cấp địa phương, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, mặc dù trong thực tiễn có thể phát sinh những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển ngoài dự toán ban đầu nhưng tất cả những khoản chi ngân sách nhà nước đều phải có trong hạng mục chi. Nhấn mạnh quan điểm không để tình trạng “tiền trảm, hậu tấu”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, cơ quan soạn thảo đưa ra các nguyên tắc xác định các khoản phát sinh trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Các khoản chi phải mang tính cấp thiết, cấp bách, quan trọng và phải có các tiêu chí xác định rõ ràng.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước trong dự thảo Luật có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách. Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị, nội dung sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm tính kịp thời nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhưng đồng thời, phải bảo đảm được rà soát, đánh giá tác động thận trọng, kỹ lưỡng.
ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị cân nhắc việc quy định quá linh hoạt có thể dẫn đến hệ lụy không mong muốn trong quản lý tài chính - ngân sách, có thể dẫn tới rủi ro cho cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ trong điều kiện hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, thống nhất như hiện nay.
"Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước, tiếp tục nghiên cứu nội hàm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, kinh tế, ngành trọng yếu của quốc gia nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước, đồng thời, tạo điều kiện chủ động cho việc điều hành ngân sách của địa phương", đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị.