90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ
Nhận định về bạo lực gia đình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau hơn 14 năm thi hành đã có tác động tích cực trong đời sống; nhận thức của xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình được nâng lên, nhiều vụ bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý nghiêm minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Hương, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội, là tiếng chuông cảnh báo về sự suy thoái giá trị gia đình, giá trị dân tộc, những giá trị vốn là niềm tự hào của người Việt. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ thực hiện năm 2019 và công bố năm 2020 cho thấy tình hình bạo lực gia đình Việt Nam không thay nhiều so với cuộc điều tra trước đó 10 năm. Năm 2019, vẫn còn tới 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng trước lúc điều tra và cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,81% GDP (tăng 0,3% so với năm 2012).
Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng một trong những hình thức như đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực.
"Đáng chú ý, trẻ em là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại" - bà Hương nêu thực trạng.
Lý giải về việc hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, một nghiên cứu do UN Women và Bộ Tư pháp thực hiện vào năm 2017 đã chỉ ra rằng do các dịch vụ hiện tại chưa bảo đảm được quyền riêng tư, chưa thực sự bảo đảm quyền được bảo vệ của nạn nhân, thủ tục phức tạp... Đây được coi là những nút thắt quan trọng cần được kịp thời giải quyết.
Nhận định về vấn đề bạo lực gia đình, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện khung khổ chính sách về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ nói riêng và bạo lực gia đình nói chung. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng bạo lực vẫn còn trầm trọng và không có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân chủ chốt vẫn là còn độ "vênh" trong các văn bản pháp luật hiện tại so với các chuẩn mực quốc tế nhất là Công ước CEDAW về chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, dẫn đến hạn chế nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ.
Nên bỏ quy định bắt buộc trình báo, thông tin đối với người bị bạo lực
So với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, dự thảo Luật lần này đã có nhiều sửa đổi tích cực. Trong đó, dự thảo đã quy định bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và quyền con người trong phòng, chống bạo lực gia đình, ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên dễ bị tổn thương trong gia đình như: phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Đồng thời, bảo đảm các yếu tố nhạy cảm giới trong xử lý các vụ bạo lực gia đình. Dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền của người bị bạo lực như: giữ bí mật đời tư và bổ sung cơ chế ngân sách cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy vậy, bên cạnh nhiều sửa đổi tích cực, bà Phạm Lan - chuyên gia của UN Women cũng thẳng thắn cho rằng, quyền của người bị bạo lực vẫn chưa hoàn toàn tương thích với các chuẩn mực của Công ước CEDAW trong việc bảo đảm tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ miễn phí, toàn diện trong đó bao gồm cả việc thu thập bằng chứng y tế miễn phí, có đại diện pháp lý – có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật và phiên dịch cho người dân tộc tiểu số. Khoảng trống này cần được giải quyết trong sửa đổi Luật lần này.
UN Women khuyến nghị, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cần tạo ra một cơ chế trình báo nhạy cảm giới, dễ tiếp cận để bảo đảm an toàn và tránh gây thêm tổn thương cho người bị bạo lực. Cần bảo đảm công tác ứng phó và can thiệp hỗ trợ phụ nữ một cách tốt nhất. Nếu không thực thi pháp luật cứng rắn hơn và các hình phạt nghiêm khắc hơn thì sẽ không khuyến khích phụ nữ trình báo bạo lực mà chỉ đổ lỗi cho họ vì đã không trình báo hoặc thông đồng với hành vi bạo lực để dẫn đến không trình báo.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, điều 9 dự thảo Luật quy định: người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt buộc người bị bạo lực trình báo hoặc cung cấp thông tin về bạo lực có thể khiến họ có nguy cơ bị người gây bạo lực trả thù, do đó không khuyến khích họ tìm kiếm sự trợ giúp. Việc trình báo, thông báo có thể làm trầm trọng thêm tình hình đối với những người bị bạo lực. Từ đó, các ý kiến đề nghị, cần bổ sung quy định về cơ chế trình báo, thông tin về bạo lực theo hướng dễ tiếp cận, bảo mật thông tin, không phân biệt đối xử, nhạy cảm về giới và bỏ quy định bắt buộc trình báo, thông tin đối với người bị bạo lực.