Đổ xô mua hàng tích trữ
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 455 chợ; 26 trung tâm thương mại; 142 siêu thị; 1.800 cửa hàng tiện ích và số lượng lớn doanh nghiệp bán hàng online. |
Tại khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) nơi có một người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17, sáng 7.3 người dân dậy từ rất sớm xếp hàng. Chuỗi cửa hàng thực phẩm ở đây mở cửa từ 6 giờ sáng nhưng đến 7 giờ nhiều kệ hàng đã trống trơn trong khi dòng người xếp hàng vẫn tiếp tục. Anh Nguyễn Trọng, cư dân Times City cho biết: “Tôi xếp hàng từ 7 giờ 30, đến 9 giờ 30 vẫn còn cách quầy thanh toán hơn 100m. Tôi cũng chỉ định mua đồ về dùng, nhưng thấy cảnh xếp hàng vất vả như thế này nên tranh thủ mua thêm vài thứ”.
Ghi nhận lúc 9 giờ sáng 7.3 tại siêu thị Coopmart Hà Đông (Hà Nội), quầy thịt tươi sống đã hết sạch. Nhân viên tại đây cho biết đã tiếp 2 lần hàng trong buổi sáng nhưng “hàng ra đến đâu hết sạch đến đó”. Tương tự tại các chợ dân sinh các khu vực chợ Mơ, Trương Định (quận Hai Bà Trưng), Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm), chợ Hà Đông (quận Hà Đông), chợ Vẽ (Bắc Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) người dân theo tâm lý đám đông cũng đổ xô đi mua hàng tích trữ, lượng người mua tăng đột biến trong sáng 7.3. Các mặt hàng được chọn lựa nhiều nhất là đồ khô, mì tôm, dầu ăn, gạo và thịt tươi.
Bà Hồng, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, đến 9h sáng bà đã bán hết hàng trong khi ngày thường phải tới trưa mới bán được 2/3. “Hôm nay người dân mua quá đông, tôi phải huy động thêm chồng và con trai phụ giúp mới bán xuể. Giá vẫn như ngày thường, không tăng”, bà Hồng cho hay.
Siêu thị liên tục bổ sung hàng hóa
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, do lượng khách hàng tới siêu thị cùng một thời điểm tăng đột biến, dẫn đến thiếu hàng cục bộ trên quầy. “Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp đề nghị tăng tần suất giao hàng. Hơn nữa, từ khi có dịch bệnh, hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động tăng trữ lượng tồn kho lên 3 - 4 lần”, bà Phương thông tin.
Hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ cam kết đồng hành, bảo đảm nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hóa trên toàn quốc. “Các nhà cung cấp của chúng tôi liên tục bổ sung hàng hóa trong ngày; đặc biệt là tăng cường hàng hóa thiết yếu như thịt sạch và rau, củ, quả, mỳ gói, gạo, gia vị, nước rửa tay, khẩu trang...” - Phó Tổng Giám đốc Vincommecre Dương Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.
Bộ Công thương cũng đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; đồng thời có phương án điều tiết nguồn hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội thông tin, trong đêm 6.3 và sáng 7.3, lượng hàng bán ra ở các siêu thị, trung tâm tiện ích tăng 40 - 50%. Sở đã yêu cầu các đơn vị không được tăng giá, găm hàng, đồng thời giao quản lý thị trường giám sát kiểm tra. Nhà chức trách nhận định hiện tượng thiếu hàng chỉ là cục bộ.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội sáng 7.3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: “Ngoài hệ thống siêu thị, thành phố có các kênh khác đủ tiềm lực bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân, không ai phải mua tích trữ”. Ông kêu gọi người dân “bình tĩnh, không nên đổ xô đi mua hàng”. “Nếu mua sắm đông mà không thực hiện các biện pháp an toàn đầy đủ có thể là nguy cơ lây nhiễm bệnh. Người dân lo lắng là đúng nhưng phải thể hiện bằng hành động thực tế như bảo vệ sức khỏe gia đình mình; thông tin đến nhà chức trách tình hình sức khỏe nếu có dấu hiệu bất thường”, Bí thư Thành ủy Hà Nội khuyến cáo.