Phân biệt tập tục và biến tướng
Phát biểu tại tọa đàm do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Hội đồng Dân tộc tổ chức, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” là một phong tục cổ truyền có tính nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào một số dân tộc thiểu số. Phong tục này tôn trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình; đồng thời hạn chế tục thách cưới cao, gây tốn kém cho các gia đình ở một số nơi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng thừa nhận, gần đây, "kéo vợ" chuyển sang hình thức “cướp vợ”, “bắt vợ” ở một số nơi với các kiểu biến tướng khác nhau, như lợi dụng tục kéo vợ để “cướp”, “bắt” các cô gái. Đối tượng tổ chức “cướp vợ” chủ yếu là thiếu niên, còn nam nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành hầu như không vi phạm. Đây không phải hiện tượng phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện tượng này được một số cá nhân quay video và phát trên mạng xã hội, gây tò mò và làm theo ở một bộ phận người trẻ tuổi. Sự việc “cướp vợ”, “bắt vợ” không chỉ không phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp mà còn trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Có thời gian dài gắn bó với đồng bào Mông, chứng kiến nhiều vụ việc "kéo vợ", Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm cho biết, tục "kéo vợ" đề cao vai trò của người phụ nữ, giảm chi phí không hợp lý trong lễ cưới, đó là văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, cần hiểu đúng để gìn giữ, bảo lưu, cũng như tránh các hành vi lợi dụng phong tục tốt đẹp này. Hiện nay, có một số người kém hiểu biết, đặc biệt là lớp trẻ chưa hiểu phong tục nên vi phạm, nhưng cũng có trường hợp lợi dụng vì mục đích khác.
Qua các phương tiện truyền thông, nhiều người ngoài cộng đồng có phong tục này đang hiểu sai lệch, gán cho nó là hủ tục, cần loại bỏ trong đời sống xã hội hiện đại. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nó có là hủ tục hay không cần phải được xem xét, nhìn nhận giá trị văn hóa của tộc người, từ tâm lý, suy nghĩ, tập quán của cộng đồng đó.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chính, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, nên coi "kéo vợ" là tập quán lâu đời, không phải hủ tục, vấn đề là ở chỗ nó bị biến tướng, lợi dụng. Chúng ta không bỏ tập quán ấy mà xử lý những vấn đề phát sinh. Nếu xem như hủ tục, sẽ loại bỏ một tập quán, còn xử lý biến tướng, lạm dụng, sẽ làm tập quán đó tốt đẹp hơn và được duy trì...
Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm
Theo các chuyên gia, cần có giải pháp xử lý hài hòa, vừa gìn giữ tập tục văn hóa dân tộc, nhưng cũng tránh biến tướng, dẫn tới tình trạng tảo hôn, đa thê, vi phạm quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em... TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc góp ý, cần phân biệt rõ tục "kéo vợ" với các biến tướng, dựa trên tiêu chí quan trọng nhất là sự đồng thuận của đôi nam nữ. Với những trường hợp lợi dụng phong tục, có dấu hiệu cưỡng ép, dứt khoát phải xử lý nghiêm để nêu gương.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chính khẳng định, luật pháp Việt Nam đã quy định rõ về những vấn đề này, là cơ sở để xử lý những vi phạm. Theo đó, Hiến pháp quy định các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Luật Hôn nhân và Gia đình có Điều 7 áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình. Luật pháp cũng nhấn mạnh hôn nhân không được vi phạm quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng, không được cưỡng ép kết hôn...
Giải pháp tuyên truyền, vận động được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện và đã đạt kết quả nhất định. Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần phát huy vai trò của cơ sở, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đoàn thể, đồng thời qua hương ước, luật tục... giúp đồng bào hiểu rõ những nét đẹp về phong tục tập quán và những hành vi biến tướng, lợi dụng. Việc tuyên truyền trên mạng xã hội với những phương thức phù hợp với sự tiếp cận của giới trẻ cũng cần được chú trọng.
Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo thực hiện, với nguồn vốn dự kiến gần 6.000 tỷ đồng. Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm bảo tồn phong tục tập quán tốt đẹp, nhưng cũng nghiên cứu, vận động loại trừ những gì không còn phù hợp khỏi đời sống xã hội.
Ngoài ra, theo ông Thắng, Đề án 10.2 (thực hiện Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò người có uy tín), có nguồn kinh phí 2.590 tỷ đồng, hoàn toàn chuyển về địa phương, tập trung tuyên truyền ở 3.434 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương quan tâm sử dụng nguồn kinh phí này để tuyên truyền, vận động bảo tồn phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ hủ tục...
Bên cạnh các giải pháp trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, công tác giáo dục trong nhà trường về hôn nhân và gia đình, vận động xóa bỏ những tập tục lạc hậu, những biến tướng tiêu cực. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật về hôn nhân, gia đình. Về lâu dài, cần triển khai tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số.