Từ yếu tố gia đình - nhà trường
Là một phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên, ông Đinh Xuân Hải (Mỹ Hào, Hưng Yên) chia sẻ, “Ngoài việc quản lý, giáo dục của một bộ phận gia đình, nhà trường còn thiếu chặt chẽ thì hiện nay thanh, thiếu niên, người trẻ tuổi còn bị tác động bởi những phim ảnh, các loại game có tính chất bạo lực. Những người trẻ tuổi phạm tội thường không có nghề nghiệp ổn định, không định hướng được tương lai của mình, chỉ biết ăn chơi lêu lổng, thậm chí nghiện game, nghiện ma túy, ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, cờ bạc, rượu chè... Các cháu dễ bị lôi kéo quan hệ với các đối tượng xấu, dẫn tới tham gia vào các nhóm tội phạm”. Từ đó, ông Hải cho rằng, việc giáo dục ở gia đình và nhà trường rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến con trẻ.
Đồng quan điểm với ông Hải, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) nêu ý kiến: “Theo tôi, nguyên nhân tội phạm ngày càng trẻ hóa chủ yếu là do thanh, thiếu niên không được sống trong môi trường gia đình lành mạnh, không được giáo dục đầy đủ và quan tâm đúng mức từ cha mẹ. Thông thường, cha mẹ vì lo làm ăn kinh tế mà thiếu quan tâm đến con dẫn đến con trẻ hình thành nhân cách sai lệch và bị lôi kéo vào con đường phạm pháp. Bởi vậy, cha mẹ phải quan tâm toàn diện đến mọi mặt của con mình để sớm phát hiện những hành vi, thói quen xấu để ngăn chặn kịp thời. Cha mẹ phải giúp con mình hiểu biết hành vi hợp pháp và phạm pháp để con tự nhận thức được việc nên làm và không nên làm”.
Đây cũng là cách nhìn của Trung úy Đỗ Danh Vượng, Công an phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội): “Gia đình là cái nôi để các em hình thành nên nhân cách. Do đó, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi các em để biết được những thay đổi mà định hướng trong cách giáo dục con trẻ phù hợp. Đối với nhà trường, thay vì đặt nặng vấn đề kiến thức thì cần tăng cường hơn về giáo dục đạo đức, lối sống cho các em học sinh”. Bên cạnh đó, Trung úy Đỗ Danh Vượng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Việc tuyên truyền phải phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, dân cư, tầng lớp nhân dân, hiểu được tâm sinh lý của thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ở tuổi vị thành niên…
Đến những giải pháp đồng bộ khác
Để giảm tình trạng người trẻ tuổi vi phạm pháp luật, theo các chuyên gia, giải pháp căn bản vẫn là công tác giáo dục, tuyên truyền phù hợp. Chẳng hạn, tại địa phương có sự phối kết hợp giữa các cơ quan đoàn thể, thường xuyên tổ chức các hoạt động thực tế nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là đối với giới trẻ. Ví dụ: Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” ở Hà Nam; Các phiên tòa giả định do Đoàn thanh niên Phối hợp với Sở Tư pháp được tỉnh Hưng Yên thường xuyên tổ chức; Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật... Hay, điển hình ngày 14.6 vừa qua, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội ban hành Công văn số 1839/UBND-NC về phát động, triển khai cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” trên địa bàn TP Hà Nội. Đối tượng tham gia cuộc thi từ đủ 12 tuổi trở lên… Đây là một trong các hoạt động cần thiết mà các địa phương khác nên tham khảo. Nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi mà cả nước đang dốc toàn lực để chống dịch Covid – 19.
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Thiếu tướng Trần Ngọc Hà đưa ra quan điểm, “Để ngăn chặn, phòng ngừa và kéo giảm được tình trạng tội phạm nhí, cần có giải pháp tổng hợp, đồng bộ và đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ riêng lực lượng công an. Trong đó, giải pháp có hiệu quả nhất là tuyên truyền, bởi các đối tượng thanh thiếu niên chưa hoàn thiện về nhân cách, nhận thức pháp luật. Giải pháp này cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là đoàn thể, tổ chức như Đoàn thanh niên, thông qua các hoạt động sinh hoạt tinh thần lành mạnh, nâng cao nhận thức pháp luật cho các cháu, giúp các cháu nhận biết các hành vi sai trái”.
Với quan điểm của mình, Th.S Ngô Thế Nghị cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần tăng cường công tác quản lý đối tượng thanh, thiếu niên hư hỏng, lập hồ sơ đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng, hoặc đưa ra kiểm điểm, quản lý, giáo dục tại cộng đồng dân cư. Các cơ quan công an tăng cường lực lượng tấn công, truy quét tội phạm hình sự; xử lý nghiêm trước pháp luật để giáo dục, răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật do lứa tuổi vị thành niên gây ra. Do vậy, vì sự trưởng thành của con trẻ, mỗi gia đình cần có định hướng cụ thể, rõ rệt, cùng một phương pháp giáo dục khoa học. Và điều thiết yếu, cần phải kết hợp hài hòa ba môi trường: Gia đình – Nhà trường và Xã hội mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong Báo cáo phân tích hệ thống pháp luật về tư pháp người thành niên và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật, UNICEF khuyến nghị: “Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực và từng bước chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ cho người chưa thành niên nhằm hạn chế những yếu tố nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật”.