Từ sáng tạo tự thân nghệ sĩ
Nhiều ý kiến cho rằng, so với nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật khác, điêu khắc ít bị thị trường chi phối; nhờ vậy, sáng tác của họ không bị cuốn theo thị hiếu số đông mà tự do tung tẩy để thỏa mãn cái tôi. Nghệ sĩ Phạm Đình Tiến so sánh giữa thực hành tự thân và thực hiện các dự án được đặt hàng: “Khi làm công việc được đặt hàng, đôi khi khoảng sáng tạo của nghệ sĩ bị chi phối rất lớn. Người ta muốn màu vàng mình phải làm màu vàng, muốn bề rộng, chiều sâu, đẹp xấu ra sao mình cũng phải làm theo như thế… Khi làm tác phẩm đó, cảm giác là làm cho họ, không phải cho mình. Nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật trước hết là tự thân, là cho mình”.
Sức bật của nghệ thuật thực chất đến từ chuyển biến tự thân, khi nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo không ngừng. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, Việt Nam không thiếu nghệ sĩ tài năng, họ làm nghệ thuật thuần túy, không màng chuyện mua bán, chỉ cần có không gian trưng bày để giới thiệu tác phẩm đến công chúng, phát huy giá trị của tác phẩm trong đời sống. Giá trị thật sự của tác phẩm nghệ thuật phục vụ nhu cầu tinh thần của cộng đồng và xã hội, cho nên mấu chốt là làm sao tác phẩm có cơ hội được sử dụng ở các không gian công cộng.
Như Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn phân tích, điêu khắc có tính ứng dụng hay không nhờ vào nhu cầu sử dụng của Nhà nước, của các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân... Song cần nhìn nhận rằng, xã hội ngày càng phát triển, những giá trị tinh thần ngày càng được chú trọng, thì điêu khắc không bao giờ mất đi chỗ đứng.

Điêu khắc làm cho không gian sống sinh động và hấp dẫn hơn. Nguồn: BTNT Flamingo
“Từ các công trình lớn nhỏ của cộng đồng đến từng ngôi nhà, nơi làm việc... điêu khắc mang tới cái hồn và nguồn cảm hứng cho con người. Như vậy, có thể thấy các tác phẩm điêu khắc hoàn toàn có cơ hội phát huy tối đa tính năng của nghệ thuật trang trí ứng dụng, đồng thời làm cho không gian, môi trường sống trở nên phong phú và hấp dẫn”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Từ kinh nghiệm thực hiện nhiều tác phẩm điêu khắc ngoài trời, nghệ sĩ Phạm Đình Tiến cho rằng, lý tưởng nhất để phát triển không gian điêu khắc là sự kết nối của nhiều bên: nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà đầu tư… “Nghệ sĩ thường chỉ giỏi trong sáng tác, đưa ra ý tưởng sáng tạo, còn lại đặt ở đâu, kết nối với không gian, bối cảnh như thế nào lại cần đến các nhà chuyên môn”.
Cùng quan điểm, nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền đưa ra các yếu tố cần cho đời sống điêu khắc đương đại gồm: tác giả, tác phẩm, nhà sưu tập, không gian trưng bày và sự chăm sóc theo thời gian. “Thiếu sự đồng hành của một trong các yếu tố này đều khó mang lại hiệu quả; đấy là chưa nói đến lý luận, phê bình, truyền thông dẫn dắt và định hướng công chúng”.
Song hành nghệ thuật và kiến trúc
Cần song hành câu chuyện nghệ thuật với kiến trúc như một cuộc đối thoại, trong đó kiến trúc sư chính là cầu nối. Đề xuất như vậy, KTS. Hoàng Minh Tuệ cho rằng, trong các thiết kế, kiến trúc sư nên xem xét để đưa các tác phẩm điêu khắc vào không gian. Bởi kiến trúc sư có vai trò và ít nhiều ảnh hưởng đối với nhà đầu tư, khi là người tổng hợp thông tin, tư vấn cho chủ đầu tư về lựa chọn tác phẩm nghệ thuật trong không gian như thế nào. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng muốn đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật ngay từ đầu. Bản thân họ cũng đắn đo, băn khoăn cho những chi phí khác của công trình như vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí, ốp lát… Chưa kể, trước một tác phẩm điêu khắc, đa phần sẽ lưỡng lự, chưa biết tác phẩm đó có giá trị như thế nào với công trình của mình.
Làm thế nào để công chúng thấy được giá trị của tác phẩm? Trả lời câu hỏi này, theo KTS. Hoàng Minh Tuệ, cần giáo dục từ những bước cơ bản như tạo ra hệ sinh thái để công chúng, nhất là người trẻ được tiếp xúc, nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật. “Nói chung, phải cho mọi người hiểu rằng một công trình nếu không có tác phẩm nghệ thuật đã tốt, có thêm tác phẩm nghệ thuật thì cộng hưởng tốt hơn”.
Công chúng đã biết đến không gian nghệ thuật đương đại Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc; ở đó, nhà điêu khắc đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình sáng tác, tác phẩm có không gian trưng bày, được chăm sóc mỗi ngày. Tuy nhiên, mô hình trại điêu khắc kết hợp không gian cảnh quan Flamingo Đại Lải từ năm 2015 đến giờ vẫn là trại sáng tác đầu tiên và duy nhất hoạt động hiệu quả. Theo họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, đồng sáng lập, Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật đương đại Flamingo, suy cho cùng, một nền nghệ thuật muốn phát triển được phải dựa trên cộng đồng yêu nghệ thuật. Hạn chế bây giờ là tầm nhìn, là sự đầu tư, kết nối để tác phẩm điêu khắc có được vị trí, không gian. Cho nên điêu khắc vẫn đang trên con đường tìm chỗ đứng trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, cụ thể là tìm vị trí trong đời sống kiến trúc và tư tưởng của người Việt.
"Cần nhiều yếu tố như môi trường đào tạo nghệ thuật, môi trường làm việc để thúc đẩy nghệ sĩ sáng tạo. Các trại sáng tác cũng cần chuyên nghiệp hơn, để tác phẩm sau khi hoàn thành được định sẵn không gian trưng bày, hạn chế tối đa việc cứ làm rồi sẽ có chỗ để. Các nhà quy hoạch, các thành phố lớn cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về vai trò của điêu khắc đối với không gian kiến trúc và đời sống xã hội. Đồng thời, cũng cần hơn nữa sự chung tay của nhà sưu tập, doanh nghiệp... tham gia vào thị trường điêu khắc. Những yếu tố này sẽ tạo cơ hội để nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thực sự phát triển", họa sĩ Vũ Hồng Nguyên nhận định.