Đa dạng hóa trải nghiệm, kết nối di sản - công chúng
Từ việc chỉ tập trung vào bảo tồn và trưng bày, các bảo tàng đang chủ động tương tác với công chúng thông qua các chương trình nghệ thuật đa dạng.

Tối 14.2 vừa qua đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật "True love seasons" tại Bảo tàng Hà Nội quy tụ nhiều ngôi sao ca nhạc từ những tên tuổi như NSND Tấn Minh, ca sĩ Mỹ Linh... đến các giọng ca trẻ Hà Nhi, Đức Phúc... Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, đây là chương trình đầu tiên Bảo tàng hợp tác với các bên để triển khai, tiến tới tổ chức các hoạt động thường xuyên nhằm đưa Bảo tàng thành không gian sáng tạo đầy tính nghệ thuật; đồng thời, định hình sản phẩm văn hóa mang dấu ấn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng, thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thêm một số hoạt động mới như tổ chức chương trình “Khi âm nhạc hòa quyện với mỹ thuật”, để vừa thu hút, vừa tri ân khách tham quan. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Minh chia sẻ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng. Tuy nhiên, những năm gần đây, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ ấy đã có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ tư duy đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ, làm cho nghệ thuật trở nên gần gũi, sống động và hấp dẫn hơn đối với công chúng.
Từ những chương trình hòa nhạc cổ điển đầu tiên tổ chức cuối năm 2022, đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang trở thành điểm đến văn hóa thu hút công chúng, nơi âm nhạc và mỹ thuật hòa quyện trong không gian kiến trúc độc đáo. Đây là cơ hội tuyệt vời để công chúng thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao, từ cổ điển đến hiện đại. Cụ thể, vào Chủ nhật hàng tuần, Bảo tàng tổ chức mini concert tại không gian ngoài trời; hàng quý, tổ chức hòa nhạc lớn, hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh thưởng thức các không gian trưng bày, được đắm chìm vào những giai điệu âm nhạc, kỳ vọng sẽ là trải nghiệm khó quên cho khách tham quan.
Thay đổi diện mạo, tạo sức hút cho bảo tàng
Trên thế giới, rất nhiều bảo tàng đã thành công trong việc mở cửa đón công chúng bằng các chương trình nghệ thuật, trở thành điểm đến văn hóa hàng đầu. Việc tổ chức hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, chiếu phim… ngay trong các không gian trưng bày không còn xa lạ, kết hợp độc đáo giữa quá khứ và hiện tại, tạo ra không gian sáng tạo, nơi mọi người có thể khám phá và học hỏi.
Ở Việt Nam, thời gian qua, một số bảo tàng đã chủ động đổi mới, tổ chức các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, vừa thu hút đông đảo công chúng, vừa tạo dấu ấn riêng. Chẳng hạn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật dân gian. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức trình diễn áo dài, workshop nghệ thuật và đặc biệt là chương trình trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân"… Bảo tàng Áo dài (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức các chương trình giới thiệu và biểu diễn các loại hình dân ca đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: quan họ, ví giặm, đờn ca tài tử...
Đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của các bảo tàng mang đến cho công chúng những chương trình nghệ thuật chất lượng, khẳng định vai trò là một trung tâm văn hóa, nơi hội tụ những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Điều này không chỉ thay đổi diện mạo của bảo tàng mà còn mang đến những giá trị to lớn cho cộng đồng.
Thực tế, các chương trình nghệ thuật giúp bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút đa dạng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Công chúng không chỉ được chiêm ngưỡng các hiện vật mà còn được tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, tương tác với nghệ sĩ, tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ. Nghệ thuật cũng giúp mọi người kết nối với lịch sử, văn hóa một cách sâu sắc hơn, chạm đến những cảm xúc tinh tế. Từ đó tăng cường vai trò của bảo tàng như cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc và thế giới, là nơi lan tỏa tri thức, khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho mọi người.
TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, khẳng định: bảo tàng không tĩnh lặng, không là “đền thờ lịch sử”, mà phải là một thiết chế năng động cho các mục tiêu khoa học, giáo dục và giải trí. Bảo tàng không chỉ trong bốn bức tường mà phải "nối dài cánh tay" đến cộng đồng. Bởi thế, hoạt động bảo tàng sẽ ngày càng phải mở rộng, đa dạng về hình thức và số lượng; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, phương tiện và phương pháp.
Cùng với đổi mới trưng bày, tăng cường chuyển đổi số để đến gần công chúng, việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật là một giải pháp quan trọng giúp bảo tàng trở nên sống động, hấp dẫn hơn. Đây là một xu hướng và kỳ vọng các bảo tàng sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, trở thành những không gian nghệ thuật hấp dẫn, góp phần nâng cao giá trị văn hóa trong cộng đồng.