Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương
Nguyên nhân khách quan những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn, theo Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương do văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều liên quan đến quy hoạch còn chậm; có nội dung chưa thống nhất, xung đột gây khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành địa phương khi áp dụng; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất cho công tác quy hoạch chưa được hoàn thiện. Chưa có quy định pháp luật, tiêu chí đánh giá, khung tiêu chuẩn cụ thể về đô thị xanh, đô thị hiện đại, trong cả nước chưa có mô hình xây dựng “đô thị xanh, thông minh, hiện đại” để nghiên cứu, áp dụng, triển khai, dẫn dến việc thực hiện Đề án lúng túng, gặp khó khăn. Chế tài xử lý những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị còn hạn chế, thiếu tính răn đe, chưa kịp thời và triệt để…
Khắc phục những vướng mắc trên, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, ban hành thống nhất các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, đất đai, đầu tư, nhà ở xã hội... để áp dụng triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế được thuận lợi, đúng quy định. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kỳ quy hoạch và tầm nhìn của các quy hoạch được quy định tại các ngành luật cho thống nhất với Luật Quy hoạch. Đặc biệt, cần nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực quy hoạch; bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Trung ương, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện.
Bảo đảm tính công khai, minh bạch
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nguyên nhân từ công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong tham gia ý kiến vào các đồ án quy hoạch chưa thực sự đồng bộ, trách nhiệm. Việc phân công, bố trí cán bộ làm nhiệm vụ quy hoạch còn thiếu, chất lượng chuyên môn chưa đồng đều. Giai đoạn đầu khi triển khai thực hiện nhiệm vụ còn nhiều lúng túng, việc phân công, phân nhiệm chưa rõ ràng. Việc lấy ý kiến cộng đồng về lập, điều chỉnh nội dung quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức; cộng đồng dân cư chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong quy hoạch đô thị, xây dựng môi trường sống và phát triển đô thị…
Từ thực tế trên, cùng với tăng cường giám sát, tái giám sát công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn để có kiến nghị kịp thời, đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành địa phương tích cực, chủ động, nghiêm túc thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển đô thị Hải Dương theo định hướng xanh, thông minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035” theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Rà soát, đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc phát sinh để có hướng điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các nội dung trong đề án đã được phân công và chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên đầu tư và phát triển các đô thị trung tâm vùng kinh tế động lực làm khâu đột phá, có sức lan tỏa lớn tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, kích thích phát triển đô thị từng vùng. Tiếp tục cân đối, bố trí nguồn lực phục vụ công tác lập, điều và thực hiện quy hoạch trên địa bàn. Tăng cường kêu gọi, thu hút các lực xã hội đầu tư phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, thu gom xử lý rác thải, nước thải...), công viên cây xanh, không gian công cộng... Chỉ đạo tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức phụ trách công tác quy hoạch từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở có đủ năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch. Sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức các phòng, đơn vị, trong đó có giải pháp và cơ chế thành lập lực lượng chuyên trách về quản lý quy hoạch.
Đối với UBND các huyện, thị, thành phố, cần chỉ đạo nghiêm túc lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, giải trình, tiếp thu và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định. Định kỳ rà soát, điều hoặc lập mới chương trình phát triển đô thị trên địa bàn; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Tổ chức lập, triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch, kế hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị bảo đảm đúng theo quy hoạch, kế hoạch, tiến độ theo các nội dung dự án đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch.