Các gói thầu được thực hiện thế nào?
Năm 2020, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. Hồ Chí Minh (Công ty Thoát nước) đã trúng 3 gói thầu (gói 5, 6, 8) quản lý vận hành hệ thống thoát nước, quản lý vận hành các trạm kiểm soát triều, trạm bơm chống ngập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tổng giá trị trúng thầu hơn 3.000 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty Thoát nước đã có văn bản số 439/TNĐT-TCNS phản hồi đến Báo Đại biểu Nhân dân. Theo đó, Công ty Thoát nước cho biết tham dự và nộp hồ sơ thầu (HSMT) đối với các gói thầu số (5, 6, 8) vào ngày 20.3.2020.
Về tình hình tổng doanh thu trong các năm 2016 – 2019, Công ty Thoát nước thông tin, năm 2016: hơn 598 tỷ đồng, năm 2017: hơn 668 tỷ đồng, năm 2018: hơn 670 tỷ đồng và năm 2019: 583 tỷ đồng.
Đối với việc thực hiện hợp đồng và giải ngân của 3 gói thầu trên trong các năm từ 2020 – 2022, văn bản phản hồi của Công ty thoát nước nêu: Việc triển khai các hợp đồng của 3 gói thầu nói trên đều căn cứ vào nội dung công việc theo các điều khoản hợp đồng mà 2 bên đã ký.
Khối lượng thực hiện theo từng năm và công tác thanh quyết toán cũng được thực hiện theo từng năm. Việc giải ngân 3 hợp đồng trong 3 năm qua, chủ đầu tư thanh toán theo đúng nội dung các cam kết giữa 2 bên theo điều khoản thanh toán của hợp đồng. Công ty thoát nước chưa ghi nhận khó khăn hay vướng mắc thực sự nào trong quá trình triển khai thực hiện 3 hợp đồng trên.
Đối với các khoản công nợ phát sinh (khoảng hơn 100 tỷ đồng, theo báo cáo kiểm toán độc lập số 130/2022 do Công ty TNHH Kiểm toán CPA VietNam lập), Công ty Thoát nước phản hồi: “Hiện nay những khoản công nợ này vẫn được công ty tiếp tục theo dõi, phối hợp với Sở, ban ngành và các bên liên quan để xử lý theo đúng trình tự và quy định của pháp luật Việt Nam”.
Nhiều điểm cần làm rõ!
Quay trở lại quá trình đấu thầu các gói thầu trên, dư luận vẫn "băn khoăn" vì sao 3 gói thầu có giá trị lớn hơn 3.000 tỷ đồng chỉ một nhà thầu là Công ty Thoát nước trúng thầu, vì sao ngày Công ty Thoát nước nộp hồ sơ dự thầu cũng là ngày đóng thầu...
Luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải làm rõ việc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (chủ đầu tư) ra các quyết định sửa đổi HSMT vào ngày 9.3.2020.
Cụ thể, sửa đổi HSMT yêu cầu doanh thu 3 năm liên tiếp một cách chung chung chứ không phải doanh thu riêng của lĩnh vực tham gia dự thầu. Đáng chú ý, phần doanh thu trong HSMT lần đầu yêu cầu “phải thỏa mãn yêu cầu này” thì trong sửa đổi HSMT lại “không áp dụng”.
“Vì sao lại sửa HSMT theo hướng “không áp dụng” doanh thu? Doanh thu theo lĩnh vực thể hiện năng lực của nhà thầu đến đâu, có từng tham gia các gói thầu, hoặc hoạt động trong lĩnh vực mà mình tham gia đấu thầu hay không? Việc sửa HMST như trên là theo hướng có lợi cho nhà thầu”, luật sư Thường nhận định.
Luật sư Lê Bá Thường phân tích, tại Điều 12 (lập HSMT) Nghị định 63/2014 của Chính phủ ghi rõ, HSMT quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá).
Trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Cũng theo luật sư Thường, một vấn đề khác cần làm rõ trong đấu thầu các gói thầu trên là vì sao chủ đầu tư không tiến hành đấu thầu theo kế hoạch từng năm một mà lại đấu thầu cho kế hoạch 5 năm?
Bởi lẽ khi gộp 5 năm lại, quy mô gói thầu lớn, ít có doanh nghiệp đáp ứng được HSMT (chủ yếu về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn).
"Việc gộp cả dự án 5 năm lại đã lý giải vì sao đến phút cuối cả 3 gói thầu trên chỉ có Công ty Thoát nước nộp HSDT. Việc chỉ có một nhà thầu nộp HSDT không còn tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu", luật sư Thường phân tích.
Luật sư Thường cho rằng, cần làm rõ vì sao tại thời điểm đóng thầu chỉ có một HSDT của Công ty Thoát nước nhưng chủ đầu tư không gia hạn thời điểm đóng thầu mà mở thầu ngay. Nếu gia hạn thời hạn đóng thầu biết đâu sẽ tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, từ đó có thể đảm bảo tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu…
Riêng vụ đấu thầu này, với phương án mở thầu ngay là yếu tố giúp Công ty Thoát nước trúng thầu một cách nhanh chóng, không có giá cạnh tranh.
“Đây là dự án sử dụng ngân sách Nhà nước vì thế để biết được việc sử dụng vốn hiệu quả, đúng quy định pháp luật hiện hành, không thất thoát, lãng phí thì các cơ quan chức năng như: Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc, thanh kiểm tra. Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật hiện hành”, luật sư Thường nhấn mạnh.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.