Bỏ lại phía sau đoạn quá vãng hào hoa, mang trong mình những vết dấu từ hiện thực, trĩu nặng rác, bùn ô nhiễm trước nhu cầu xả thải mỗi ngày một lớn của phố phường Hà Nội, sông Tô, sông Kim Ngưu,… khép nép buồn bã trước “quy hoạch” vô tình, nhưng vẫn oằn mình, gồng gánh. Các dòng sông ở Hà Nội cứ thầm lặng hy sinh cho mỗi người dân, lối phố thị thành. Đôi lần sức sống dòng Tô như trỗi dậy như muốn hồi sinh những quá khứ huy hoàng, tấp nập. Phải chăng mỗi Hà Nội đang “nợ” sông Tô, sông Kim Ngưu một lời xin lỗi vì sự lạnh nhạt bấy lâu và nợ cả một thái độ ứng xử đúng mực với “người mẹ thiên nhiên” để những dòng sông ấy cứ nối nhau tuôn chảy?
Chia sẻ về những tổn thương của các dòng sông, dòng văn hiến - di sản chảy giữa Thủ đô, Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, tôi luôn tin, nếu lãnh đạo TP Hà Nội đủ quyết đoán, đủ nỗ lực và nguồn lực thì những dòng sông - “động mạch chủ” của Thủ đô sẽ được hồi sinh.
Khi ấy dòng Tô sẽ được sống lại những thời tươi đẹp:
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền em sát thuyền anh
Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.
Hẳn khi đó, trên những dòng sông văn hiến lại đầy ắp tiếng cười vui. Trống giong cờ mở vào những ngày hội rước nước, rước Thánh Tản Viên và hội đánh cá thờ, tưởng nhớ công đức tiên tổ và các vị anh hùng dân tộc lại rộn ràng trở lại trên sông Hồng, sông Tích, sông Đáy. Không gian văn hóa ấy nghìn đời nay vốn đã “lắng hồn sông núi”, sẽ ngày càng quyện chặt hơn trong đời sống tinh thần của người dân và những dòng văn hiến Hà Nội mãi trường tồn...
Việc cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch sẽ mở ra nhiều kỳ vọng để Hà Nội kế thừa và phát huy những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô. Hồi sinh các dòng sông cho Hà Nội cũng là thuận theo tự nhiên thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương khơi dậy và khai thác nét đặc thù, tạo cho Hà Nội trở thành khu vực “tụ thủy”, “tụ nhân”.
“Nhiều nước ở châu Âu và châu Á có ít sông hơn ở Hà Nội, nhưng họ đã tận dụng ưu đãi về tự nhiên để phát triển du lịch rất tốt. Tôi tin tưởng rằng, Hà Nội có thể cải thiện môi trường nước của sông Tô Lịch và biến những con sông của Hà Nội thành những điểm du lịch hấp dẫn. Điều này không những thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững mà còn góp phần đồng bộ phát triển những giá trị văn hóa, du lịch của Thủ đô…”, PGS. TS Đào Trọng Tứ chia sẻ.
Để tiến bước cùng các quốc gia trong khu vực, Hà Nội đang từng ngày thay da, đổi thịt. Hình hài một đô thị hiện đại sừng sững vươn tầm giữa những dòng sông di sản văn hiến ghi dấu một Hà Nội đổi mới của ngày hôm nay. Từ đây, ước vọng hồi sinh, khẳng định giá trị vô tận của những dòng chảy giữa lòng Hà Nội, hơn bao giờ hết, lại cháy bỏng, thôi thúc...
Với người dân và người yêu Hà Nội, mong mỏi hồi sinh, chữa lành vết thương và kéo dài sự sống cho các sông ở Thủ đô luôn thường trực trong lòng họ. Nhưng để thực hiện được khát vọng hồi sinh các dòng sông thì luôn phải nỗ lực.
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn chia sẻ, trước hết, chúng ta cần có một nhận thức tốt hơn về vị trí, vai trò của các dòng sông đối với sự phát triển đô thị, văn hoá. Dòng sông giờ đây không chỉ là nơi cấp thoát nước hay giao thông, các dòng sông chính là ký ức, biểu tượng của một thành phố, giúp đô thị có thêm những không gian sống trong lành, đáng sống. Bảo vệ các dòng sông là trách nhiệm của cả thành phố và mỗi người dân. Từ nhận thức đúng ấy, chúng ta sẽ có những hành động, kế hoạch phù hợp. Xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ các dòng sông cũng là một giải pháp để tăng cường quản lý các dòng sông cũng như quy định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan. Chúng ta cần có quy hoạch chi tiết cho việc sử dụng hai bên bờ sông, đặc biệt là đối với sông Hồng và cả bãi giữa sông Hồng. Quy hoạch hành lang thoát lũ, xử lý nước thải cũng phải tính toán để tạo điều kiện cho quy hoạch này.
Với kinh nghiệm thực tế, PGS. TS Đào Trọng Tứ cho rằng, cần xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông nội đô (nguồn thải, loại và số lượng nước thải) nói chung và từng sông cụ thể. Từ đó xem xét và đưa ra các giải pháp khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn và khả thi về nguồn lực là yếu tố quan trọng bảo đảm thành công của các giải pháp. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp chính sách và thể chế. Đây là các giải pháp cần được các cơ quan có trách nhiệm ở các cấp thực hiện một các đồng bộ và nghiêm túc, mới bảo đảm hiệu quả của các giải pháp công trình được thực hiện.
PGS. TS Đào Trọng Tứ đề xuất, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Phải kiên quyết hơn trong việc xử lý vi phạm pháp luật, đồng thời sử dụng nhiều tình tiết tăng nặng đối với các cơ sở không nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm phòng ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội cần đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp. “Qua kết quả thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường trong thời gian vừa qua cũng cho thấy vẫn còn một số tồn tại: số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở được kiểm tra còn chưa được thường xuyên và nghiêm túc dẫn đến nhiều hành vi vi phạm còn bị phát hiện và xử lý”, ông Tứ phân tích.
Ngoài ra, PGS. TS Đào Trọng Tứ cũng cho rằng, cần di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đối với nước thải công nghiệp, làng nghề; tăng tỉ lệ thu phí môi trường đối với nước thải qua từng năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cấp từ trung ương tới địa phương cũng như của các cơ quan khác có liên quan. Tăng cường công tác thu phí nước thải tái đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là công trình hạ tầng kỹ thuật về nước thải; nghiên cứu áp dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện của thành phố Hà Nội, đề xuất xử lý nước thải ngay tại hộ gia đình trước khi xả ra hệ thống thoát nước sinh hoạt chung của thành phố...
Bên cạnh đó, cũng cần thắt chặt quy chuẩn nước thải nhằm quản lý và kiểm soát nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp; Tăng cường hệ thống quan trắc nước để giám sát, kiểm soát chất lượng nước bằng việc xây dựng Đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, đề xuất các trạm xử lý nước thải đô thị có công suất xử lý ≥10.000m3/ngày đêm và khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp có lưu lượng nước thải phát sinh ≥1.000m3/ngày đêm phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, với các thông số quan trắc bắt buộc là lưu lượng, nhiệt độ, pH, DO, Độ đục, NO3-, TSS, PO43-; tăng cường kiểm soát ô nhiễm và đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt tập trung…