Để sông dài vang mãi khúc hoan ca:

Bài 1: Dòng sông khởi nguồn của thành phố

- Chủ Nhật, 24/07/2022, 13:53 - Chia sẻ

Các nền văn minh lớn khi phát triển đều không thể tách rời với hình sông, thế núi. Văn hoá người Việt có quá trình tồn tại và phát triển luôn song hành cùng nền văn minh lúa nước. Vì vậy, qua thăng trầm của lịch sử các giá trị văn hóa tích luỹ, bồi lắng và kết tinh đâu đó luôn có vóc dáng của sông, hồ. Trong tâm thức người Hà Nội, sông Hồng không chỉ là dòng sông mẹ nuôi dưỡng con người, mà theo dòng chảy thời gian, sông Hồng đã tạo ra cả không gian văn hóa, bề dày lịch sử của đất nước, sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố  -0

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0

Trong các tài liệu địa chí, lịch sử, đều viết rằng, đất Hà Nội là đất bãi và trên bãi của sông Hồng, do phù sa sông Hồng đắp bồi. Cho nên đất Hà Nội nội thành, bên Hồ Tây, có dòng Tô Lịch, lại có rất nhiều đầm hồ. Xem trên các bản đồ xưa thì Hà Nội là một vùng đầm lầy, một thành phố sông hồ, nửa đất, nửa nước. Thăng Long - Hà Nội xưa là phần đất bồi, được bao bọc bởi sông Hồng ở phía Bắc và phía Đông, bởi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu (nhánh sông Tô) ở phía Tây và phía Nam. 

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0
Thành Cửa Bắc với hào nước trước mặt chính là sông Tô Lịch (Ảnh tư liệu)

Trong đó, Tô Lịch xưa là con sông lớn nhất, lòng sông rộng, thông với sông Hồng và hồ Tây. Mặc dù, trong nội thành Hà Nội còn có sông Sét và sông Lừ, nhưng Tô Lịch là đường giao thông quan trọng, có giá trị về mặt giao thông đường thủy nối từ Đông sang Tây kinh thành, nhiều đoạn trên bến dưới thuyền bán buôn tấp nập. Đây cũng được ví như là ranh giới tự nhiên của kinh thành Thăng Long với các vùng khác. Với sông Tô, chợ nổi tiếng nhất thời Lý là chợ Bạch Mã, tức chợ Đông ở gần Giang Khẩu. Thời Lý, Trần, các vua thường đi thuyền rồng dạo chơi trên sông Tô, đến cầu Mọc thì dừng lại vì ở đây có đình Lý Thôn, quanh đình có phong cảnh đẹp.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0
Bản đồ Hà Nội thời Hồng Đức năm 1490 với sông Cái (sông Hồng) bên mặt Đông, sông Tô Lịch mặt Bắc và Tây

Sách Đại Nam nhất thống chí (soạn giữa thế kỷ XIX) có viết: “Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ”.

Cũng không ít người ví sông Tô Lịch như là long mạch của thành Thăng Long. Con sông này lấy nước sông Thiên Phù (chi lưu của sông Hồng) ở ngã ba Giang Tân (nay là khu vực chợ Bưởi) rồi chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy xuống phía nam, qua huyện Thanh Trì, một nhánh chảy qua các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Thụy Khuê, qua phố Quán Thánh, Hàng Lược, ngoặt lại qua Đồng Xuân xuống Ngõ Gạch chạy ra Hàng Buồm, nối với sông Hồng gọi là Giang Khẩu (sau kiêng húy chúa Trịnh Giang đổi thành Hà Khẩu).

Theo sách “Việt điện u linh”, Tô Lịch là tên một vị Trưởng làng vì có nhiều công với dân làng. Khi ông mất, nhớ ơn công lao, dân lấy tên ông đặt tên làng rồi ông được phong là Long Đỗ thần hay “Tô Lịch giang thần”. Hồ Tây thông với sông Tô qua cống Đõ ở đầu làng Hồ Khẩu (cửa hồ). Vì nước sông Tô có lúc lại chảy ra sông Hồng nên người phương Bắc cho rằng sông Tô “nghịch thủy”, lo sợ sự không bình thường, họ đã tổ chức tế lễ “Tô Lịch giang thần” ở đền Bạch Mã và phong ông là “Đô Phủ Thành hoàng thần quân”.

Một thuyết khác kể, vào thế kỷ thứ IX, Cao Biền làm Tĩnh hải vương quân Tiết độ sứ An Nam Đô hộ phủ. Một hôm, Cao Biền du ngoạn, xem phong thủy thì gặp một ông già hình nhân kỳ dị từ lòng sông bước lên. Cao Biền hỏi tên thì ông già nói: “Lão phu họ Tô, tên Lịch, quê ở gần đây”, nói xong ông già biến mất. Biết đây là thần sông nên Cao Biền đặt tên sông là Tô Lịch. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Tô Lịch có nhiều tên gọi khác như: Tô Lịch, Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo nhưng dân chúng Thăng Long thường gọi sông Tô.

Sông Tô đẹp và hiền dịu nhưng có những năm nó cũng hung dữ khi sông Hồng, sông Thiên Phù nổi giận. Năm 824, chính quyền đô hộ nhà Đường dời phủ từ Long Biên về huyện Tống Bình gần sông Tô Lịch, Cao Biền đã huy động 25.000 dân để lập lũy quanh thành Đại La. Lũy nhưng cũng là đê để ngăn nước lũ sông Tô. Năm 886, nhà Đường cho sửa lại 4 mặt lũy, dài 7.930m, cao 10,4m. Nhưng ít năm sau, nước sông Tô Lịch dâng cao tràn vào phủ trị, nhà Đường lại cho đắp đê bao bọc ngoài phủ dài 8.500m gọi là Đại La Thành. Lũy này tồn tại cho đến ngày hôm nay, đó là  đường Hoàng Hoa Thám đến Cầu Giấy.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0
Bản đồ Hà Nội (vẽ năm 1831, là năm cuối cùng của Kinh thành Thăng Long, năm đầu tiên của tỉnh Hà Nội)

Tuy nhiên, nửa đầu thế kỷ XVIII, sông Hồng đổi dòng, cát bồi lấp cửa sông Thiên Phù nên sông này thành “sông chết”, vì thế Tô Lịch mất nguồn cấp nước. Mùa khô, nước sông Hồng cạn, không thể cấp cho Tô Lịch và hồ Tây. Nhưng mùa mưa, nước sông Hồng dâng cao lại qua Giang Khẩu chảy vào Tô Lịch. Khi sông Hồng đổi dòng, cát bồi lấp Giang Khẩu, nước không thể chảy vào nên Tô Lịch trở thành “sông chết”.

Sáng 25 tháng 4 năm 1882, lúc 8 giờ 15 phút, khi thực dân Pháp nã đại bác vào thành Cửa Bắc của Hà Nội. Chiếm được Hà thành, thực dân Pháp cho lấp sông, xây chợ, bê tông hoá phố phường, biến cố đô thành một “tiểu Paris của phương Đông”. Trong quy hoạch đô thị của chính quyền thực dân khi ấy, Hà Nội sẽ phát triển về hướng Tây, mạn Nghi Tàm, Hồ Tây. Thành phố cần có đường ống thoát nước từ khu phố cổ ra ngoài chợ Bưởi. Người Pháp quyết định lấp sông Tô. Vì thế, 130 năm trước, năm 1889, người Pháp cho lấp khúc sông gần Hàng Chiếu làm chợ Đồng Xuân, sau đó làm cống ra đến tận trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An) rồi lấp tiếp ra đến chợ Bưởi.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0
Bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ XIX (Đồng Khánh Địa Dư Chí) thể hiện sông Tô Lịch còn vẹn nguyên và ôm trọn, cùng với sông Cái (sông Hồng).  (Ảnh tư liệu)

Theo khảo cứu của nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, Cổng thành Cửa Bắc ngày nay nằm ngay mặt đường Phan Đình Phùng vốn là một đoạn sông Tô Lịch chảy qua. Đầu thế kỷ 20, người Pháp phá dỡ một số công trình, xây phố Tây. Khi ấy, nửa chiều dài của sông Tô Lịch bị người Pháp lấp dòng và “cống hóa”, trở thành đường tiêu thoát nước mưa, dẫn nước thải. Cùng với quá trình phát triển, đô thị hóa của Thủ đô dòng Tô Lịch ngày càng bị ô nhiễm, chật hẹp.

Ngày nay, sông Tô Lịch chỉ còn giữ lại được khoảng hơn 13km chiều dài, bắt đầu từ phía đầu đường Hoàng Quốc Việt giao cắt đường Bưởi (phường Nghĩa Đô thuộc quận Cầu Giấy), chảy theo đường Vành đai 2 và đường Bưởi, đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ ở Thanh Trì.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0

Năm 1958, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên phía Tây Nam của Hà Nội. Những cơ sở này xả thẳng nước thải ra sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch. Những vùng ven đô, đoạn đầu nguồn sông Tô, người dân cũng xả thải trực tiếp ra sông nhưng mức độ ô nhiễm chưa nhìn thấy rõ. Ngày nhỏ, tôi cùng chúng bạn thường đạp xe từ nhà trên phố Vọng lên Cầu Giấy chơi. Lũ trẻ thi nhau chỏi gạch xuống sông xem viên nào nhảy được nhiều bước và đi xa hơn. Ngày ấy, người dân hai bên bờ sông Tô vẫn hay ngồi câu cá, hóng gió… Một ký ức đó đơn giản nhưng đẹp và bình dị với mỗi người Hà Nội”, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0

Không những là huyết mạch giao thông mang nhiều giá trị kinh tế, mà các dòng sông của Hà Nội, trong đó có sông Tô Lịch còn có vai trò như mạch nguồn dung dưỡng văn hóa cho mảnh đất kinh kỳ Thăng Long nghìn năm văn hiến. Một Hà Nội đẹp với nét kiêu sa, thanh lịch nhưng rất gần gũi, giản dị, mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử và luôn được giữ gìn, bồi lắng. Vì thế, vẻ đẹp Hà Nội gắn với các sông hồ được ghi dấu trong ca dao, dân ca một cách hồn hậu không cưỡng cầu như một minh chứng cho dấu ấn văn hóa của những dòng sông của kinh thành.

Chẳng thế người xưa đã đúc kết địa thế của Hà Nội bằng câu ca dao cổ ngắn gọn: “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này”. Cố nhân cũng miêu tả đoạn chảy qua phía Nam hồ Tây như là con sông của trai thanh gái lịch trong những đêm trăng trong gió mát: “Biết nhà cô ở đâu đây/ Hỡi trăng Tô Lịch hỡi mây Tây Hồ?”.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0
Hồ Tây đẹp thơ mộng

Hơn thế, trước khi “chết”, Tô Lịch từng là tuyến hào phòng thủ, cùng với sông Hồng tạo thành ba mặt bảo vệ kinh thành. Cố GS Trần Quốc Vượng đã xếp sông Tô vào “tứ giác nước” của Thăng Long. Ông lý giải cạnh phải là sông Hồng, cạnh trái cùng cạnh trên là sông Tô Lịch, còn cạnh đáy là sông Kim Ngưu.

Mùa thu, tháng Bảy, năm Canh Tuất 1010, Lý Thái Tổ dời đô. Theo sử sách, cuộc dời đô diễn ra bằng đường thủy vào cuối mùa hè, lợi dụng nước lên để không bị mắc cạn. Đoàn thuyền khởi hành từ Hoa Lư cập bến sông Tô Lịch bên thành Đại La, đánh dấu nơi định đô của nước Việt đến tận bây giờ.

Tô Lịch cùng hệ thống sông ngòi của Kinh đô khi ấy được kết nối với nhau, tạo nên mạng lưới giao thông thủy. Thuyền bè có thể đi từ sông Đáy vào sông Nhuệ, rồi lên kinh bằng sông Tô. Hoặc từ “quân cảng” Đông Bộ Đầu và thương cảng trên sông Hồng qua Tô Lịch, sang sông Nhuệ, ra sông Đáy rồi ra biển.

Nương theo dòng chảy Tô Lịch, 30 làng xã ven sông ra đời, rồi thịnh suy theo dòng nước. Nghĩa Đô, Yên Thái làm giấy dó, Định Công Thượng có nghề kim hoàn. Dân làng Lủ, làng Láng hay chèo thuyền ngược sông, mang chả cá, bánh kẹo, rau húng... vào trong kinh buôn bán. Sản vật Thăng Long được gói gọn trong câu ca Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô làng Sét, sâm cầm Hồ Tây.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (1): Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0
Sông Tô Lịch khu vực cầu Cót hiện nay

Quan niệm của người Việt thích ở nơi lưng tựa núi, mặt nhìn sông. Không những thế quan niệm của những nền văn minh lúa nước đều thích những nơi kề giang, cận thuỷ. Họ rằng “nhất cận thị, nhị cận giang” nghĩa là dễ làm ăn nhất là nơi gần chợ, sau đó là gần nơi sông nước trên bến dưới thuyền. Vì vậy, tuyến giao thông quanh kinh thành Thăng Long xưa có rất nhiều cây cầu được xây.

Dọc theo sông Tô xưa cũng có nhiều cây cầu được xây dựng để phục vụ dân sinh, giao thương. “Đoạn qua Thụy Khuê có cầu Cau, gần đền Đồng Cổ có cầu Thái Hà, cầu Tây Dương (nay là Cầu Giấy), cầu Cót, cầu Mọc. Thế kỷ XVIII, đời chúa Trịnh Doanh, ông Nguyễn Hữu Thiêm người làng Mọc là Thảo chính sứ Tuyên Quang - Hưng Hóa đã bỏ tiền làm 7 cây cầu trên sông Tô bắt đầu từ cầu Cót, tiếp đó là cầu Trung Kính, Mọc, Giát (bị phá thay bằng cầu mới), Lủ, Minh Kính (từ Định Công sang Lủ) và cầu Quang (từ làng Bằng sang làng Quang). Mỗi cây cầu thường là lối vào đền, chùa hai bên sông, hoặc là nơi dừng chân của vua quan đi vãn cảnh. Tô Lịch không chỉ tạo cảnh quan kinh thành, mà còn là nguyên khí của Thăng Long”, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến nói.

Ủy viên Thường trực Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn

Bài 1: Dòng sông khởi nguồn của thành phố -0

Sông gắn liền với nguồn nước là gốc của sự sống, là đường giao thông chính, đồng thời cung cấp và tiêu thoát nước, những yếu tố quan trọng nhất của sự sống, nên trong văn hoá, các dòng sông có một vị trí rất đặc biệt trong việc hình thành nên các nền văn minh, tạo nên các biểu tượng văn hoá, ảnh hưởng đến nhận thức và lối sống của các xã hội. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà các nền văn minh lớn trên thế giới thường gắn với các con sông như văn minh sông Hằng, sông Hoàng Hà, sông Nin, Lưỡng Hà… hay ở Việt Nam chúng ta là văn minh sông Hồng. Các di sản văn hoá cũng thường được thấy dọc những con sông, trở thành những chứng nhân lịch sử cho mỗi cộng đồng và cả dân tộc. Đi dọc những con sông, chúng ta sẽ hiểu hơn cuộc sống của xã hội cổ truyền với tất cả hệ sinh thái hai bên bờ sông gắn liền với cuộc sống của con người với những đình, đền, chùa, chợ, với cây đa, bến nước, con đò từng đi vào ca dao, tục ngữ, với rất nhiều lễ hội xem sông là nơi lấy nước làm lễ mộc dục, thần sông là đối tượng thờ cúng, những làng nghề truyền thống gắn bó với những bờ sông… Đó là lý do tại sao, chúng ta luôn thấy tiếc nuối về việc không thể khai thác hết giá trị của các dòng sông như sồng Hồng hay kể cả sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu hay sông Nhuệ, luôn mong muốn phục hồi và phát huy giá trị văn hoá của các dòng sông này.

*Tài liệu tham khảo: 
Việt điện u linh của tác giả Lý Thế Xuyên, Nhà sách Khai trí
Sách Đại Nam nhất thống chí, người dịch Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, NXB Thuận Hoá
La rivière Tô Lịch dans le paysage de Hanoi (tạm dịch: Sông Tô Lịch trong cảnh quan Hà Nội) của Đỗ Xuân Sơn.
Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ - Thời Lê Trịnh của ác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng, NXB Kim Đồng
“Đi ngang Hà Nội” của Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, NXB Trẻ

Đức Hiệp - Trang Nhung
#