Để sông dài vang mãi khúc hoan ca

Bài 2: Những dòng sông đang "hấp hối"...

- Thứ Ba, 26/07/2022, 10:07 - Chia sẻ

Sông, hồ là mạch nguồn gắn liền và duy trì sự sống cho con người, góp phần kết tạo lịch sử, không gian văn hoá. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, đô thị hoá và sự gia tăng dân số, thiếu sự quy hoạch, bảo vệ nên nhiều con sông tại Hà Nội đã "chết" hoặc đang phải oằn mình vì ô nhiễm. Sông Kim Ngưu đã “chết”, sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ… đang "hấp hối", từng ngày, từng ngày các thực thể này vẫn phải cố gồng mình để không "chết".

sông hà nội 2hj.png -0

Bài 2: Những dòng sông đang

Các chuyên gia cho rằng, mỗi nền văn minh, một quốc gia, nền văn hóa được hình thành, phát triển đều phải dựa vào các yếu tố tự nhiên là đất và nước. Đương nhiên, theo chiều dài lịch sử, người Việt với những nét văn hóa riêng biệt sẽ có một nền văn minh lớn gắn liền với các đô thị nghìn năm. Rõ ràng, văn minh châu thổ sông Hồng với đỉnh cao là Thăng Long - Kẻ Chợ - Hà Nội không phải ngẫu nhiên hình thành một sớm một chiều mà được kết lắng, bồi đắp từ những tinh hoa của văn hóa sông nước.

Các dòng sông làm nên chiều dài lịch sử, văn hóa và sự phát triển đô thị. Thực tế, xuôi theo dòng chảy của dòng sông lớn con người luôn bắt gặp các đô thị rực rỡ. Đó cũng là nơi hình thành, biến chuyển các hình thái kinh tế, nơi tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần lớn hơn bất cứ nơi nào.

song-to-lich năm 1885.jpeg -0
Sông Tô Lịch xưa dài 30km và là giao thông đường thủy quan trọng từ phía Đông Nam vào thành Thăng Long (Trong ảnh: Sông Tô Lịch năm 1885) 

Theo khảo cứu của các nhà sử học, nếu cứ nhìn thuần vào vùng văn hóa tam giác đồng bằng châu thổ sông Hồng thì đỉnh đầu tiên là vùng Việt Trì - nơi hội linh của ba dòng sông. Về mặt lịch sử, đó cũng là đỉnh thứ nhất của sự phát triển dần từ người Việt cổ thành người Việt (chính là thời đại Hùng Vương - nước Văn Lang). Xuôi xuống đến vùng sông Hồng chảy giữa tam giác ấy thì một bên là sông Đáy chảy ngang, cắt sang bên kia là sông Cà Lồ, sông Đuống, chúng ta có đỉnh thứ hai của tam giác châu thổ sông Hồng (chính là thời đại An Dương Vương - vùng Cổ Loa, Hà Nội). Tìm về cội nguồn lịch sử, những di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa cho thấy, con người đã xuất hiện ở khu vực Hà Nội ngày nay từ trước Công nguyên, giai đoạn của nền văn hóa Sơn Vi. Cư dân thời kỳ đó sinh sống nhờ trồng trọt, chăn nuôi và chài lưới. Giai đoạn tiền sử này tương ứng với thời kỳ của các Vua Hùng trong truyền thuyết.

Và từ đỉnh thứ hai nhích xuống một chút là Đại La, Thăng Long - đây cũng là một bộ phận của đỉnh thứ hai theo địa lý tự nhiên và theo sự phát triển lịch sử, từ cổ đại Hùng Vương, kết thúc bằng An Dương Vương, mở ra Đại La và Thăng Long.

Và theo bao sự thăng trầm của lịch sử, mảnh đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội, cũng luôn được bồi đắp bằng những lớp phù sa sông Hồng, sông Đáy, bằng trầm tích văn hóa, đời sống. Nơi đây dần hình thành những làng mạc, đô thị trù phú nhất nhì khi xưa nay và mảnh đất Tràng An - Hà Nội ấy cũng gắn liền với những mốc phát triển có ý nghĩa lịch sử.

Đề án điểm di sản ven sông Tô Lịch. Tư liệu: Đỗ Xuân Sơn
Có khoảng hơn 120 yếu tố di sản trên cả hai bờ sông và hơn 28 điểm cảnh quan dọc theo nguồn nước này (Bảng kiểm kê di sản dọc theo dòng)

Từ lúc ra đời, nét đặc trưng của mảnh đất Thăng Long là không gian gắn liền với sông nước, đầm hồ. Sông, hồ đã kết tỏa và bồi đắp nên văn hóa và cảnh quan của Kinh đô. Theo đó, sông Tô Lịch mang lại sự trù phú cho các làng mạc ven kinh thành, nơi có con sông chảy qua. Đặc biệt hơn nữa, trong tín ngưỡng tâm linh của người dân đất Thăng Long, thần Tô Lịch là biểu trưng của bản sắc văn hóa, chấn hưng đất nước, phục hưng văn hóa Việt…

Năm 1915, khi người Pháp đã chia Hà Nội làm 8 tiểu khu và vùng nông thôn là bắt đầu hình thành rõ ràng nội đô và ngoại thành. Các phố phường Hà Nội cũng dựa trên lợi thế các con sông để giao thương, phát triển. Lúc này sông Tô Lịch là trục giao lưu văn hóa, buôn bán sản vật làng nghề ven sông vì nó là trung tâm tỏa đi các nơi như ra sông Hồng, qua sông Đáy, sông Nhuệ, Kim Ngưu. Có thể thấy rằng, theo dòng chảy của thời gian, các đô thị ven sông, đã hấp thụ trong nó tâm hồn - văn hóa, là nơi kết nối sâu sắc con người và vùng đất, tạo nên một bức tranh di sản giàu có và xuyên suốt trong tâm thức…

Sơ đồ về ảnh hưởng văn hóa lịch sử của hơn 30 làng với sông Tô Lịch, cũng như các giá trị văn hóa lịch sử của làng và Thăng Long gắn với lịch sử. Tư liệu: Đỗ Xuân Sơn

Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, đã có nhiều công trình khảo cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội khẳng định, những con sông, ngoài việc góp phần định danh cho Hà Nội còn đóng vai trò quyết định trong việc hình thành các điểm di sản văn hóa cho Hà Nội.

Quan niệm về phong thủy hiện diện sâu, rộng trong đời sống hàng ngày của người xưa, vì thế trong “Chiếu dời đô”, Lý Công Uẩn đã nói đến thế “núi sau sông trước” của Thăng Long. Núi là Tam Đảo và Ba Vì, sông là sông Hồng, sông Tô Lịch, Thiên Phù.

Trong tâm linh dân gian, tụ thủy là tụ nhân và sông Hồng cùng với sông Đà là Thủy Tổ cùng với Địa Tổ ở Phú Thọ, Sơn Tổ là núi Ba Vì làm thành Tam Tổ trong tâm thức dân Việt. Theo phong thủy, sông Tô Lịch là long mạch của kinh thành, vì thế trong nhiều triều đại con sông này luôn được khơi dòng chảy vì tắc nghẽn sẽ không sinh ra vượng khí. Ba con sông này là ba hào chắn tự nhiên để ngăn bước chân kẻ xâm lược. Người Việt xưa có tục thờ thần nước nên dọc theo các con sông có rất nhiều đền thờ.

ldh_4077 copy.jpg -0
Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến

Thời Lý trên bờ sông Hồng và sông Tô là nơi tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu, có đốt pháo bông, múa rối nước, hát chèo, tham dự không chỉ có vua quan mà còn có dân chúng. Tô Lịch là con sông thơ mộng nên vua chúa thường du ngoạn bằng thuyền trên sông này và ghé vào đình các làng dọc hai bên sông thăm thú. Ở vùng Láng, Yên Hòa một thời còn có lễ hội liên vùng trai tráng hai làng rước kiệu qua sông Tô hay ở vùng Đăm nơi có sông Nhuệ chảy qua có hội bơi thuyền…

Một thời, trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân đất kinh kỳ xưa, thần Tô Lịch, núi Nùng là biểu trưng của bản sắc văn hóa, chấn hưng văn hóa... Nhưng dường như, tất cả chỉ còn là quá vãng.

Bài 2: Những dòng sông đang

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (2): Những dòng sông đang “khóc ròng”, hấp hối -0

Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, PGS. TS Đào Trọng Tứ chia sẻ, hệ thống sông, hồ là những nét đặc trưng và điểm nhấn về cảnh quan xanh và mát của Thủ đô Hà Nội. Đã có thời gian hệ thống sông, hồ của Hà Nội là nguồn cấp nước quan trọng, là hệ thống giao thông nối kết Hà Nội và các vùng miền đất nước.

Tuy nhiên, nửa thế kỷ nữa trôi qua, Thủ đô 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, diện tích đã tăng lên 22 lần và dân số tăng gấp khoảng 14 lần. Sức ép đô thị lên hệ thống thoát nước cũng tăng theo. Những bất cập trong quy hoạch, hạ tầng không đồng bộ và quan điểm phát triển thiếu bền vững, coi nhẹ bảo vệ và cải thiện cảnh quan và môi trường, cấp thoát nước khiến toàn bộ hệ thống sông của Hà Nội ô nhiễm trầm trọng, đã và đang chết dần. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, lượng nước thải sinh hoạt khoảng 350.000 - 400.000m3 mỗi ngày và hơn 1.000 m3 rác thải mỗi ngày được thải ra ở khu vực Hà Nội. Trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Hiện chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải…

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (2): Những dòng sông đang “khóc ròng”, hấp hối -0
PGS. TS Đào Trọng Tứ

Nhiều năm qua, Chính quyền và các cơ quan hữu quan của TP Hà Nội loay hoay tìm cách hồi sinh sông Tô Lịch nhưng bất thành. Sông Tô Lịch bây giờ là hệ thống thoát nước thải dài khoảng 14km, mỗi ngày hứng 150.000m3 nước thải của các khu dân cư. Sông bắt đầu từ Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy xuyên nội thành rồi đổ ra sông Nhuệ ở làng Hữu Từ (Thanh Trì). Trong tâm trí cư dân Thủ đô, "Tô Lịch" bây giờ là một danh từ riêng ám chỉ sự ô nhiễm.

Năm 2009, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đề xuất dùng nước sông Hồng pha loãng mức độ ô nhiễm, làm sống lại sông Tô. Cùng với đề án này, Sở còn đề xuất xây dựng 2 trạm xử lý nước thải, công suất 25.000 m3/ngày đêm ở cống Bưởi và 15.000 m3/ngày đêm tại Cống Vị. Dự kiến hai công trình này khởi công năm 2010. Nhưng mười năm trôi qua, không thấy hai nhà máy được xây dựng.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (2): Những dòng sông đang “khóc ròng”, hấp hối -0
Sông Tô Lịch ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối

Đầu năm 2019, Công ty thoát nước Hà Nội đề xuất dùng nước sông Hồng làm sạch sông Tô. Đơn vị này tính xây trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây. Khi nào hồ sạch thì dẫn nước từ đây qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa cho sạch. Phương án “vừa dễ làm, vừa tiết kiệm” chi phí khoảng 150 tỷ đồng, đang chờ thành phố chấp thuận.

Nhưng, phương án trên có thể khiến hạ nguồn và các huyện ngoại thành “hứng đủ” nguồn nước ô nhiễm đổ dồn về. Có lần, Hà Nội xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, dòng nước bẩn chảy theo tới sông Nhuệ về tận Hà Nam và bị địa phương này phản ứng.

Tuy vậy các hệ thống sông nội đô kể cả sông lớn như Nhuệ, Đáy cũng như các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét vẫn chưa hề được cải thiện, các con sông nội đô đã phải mang danh là “các con sông chết”. Gần đây nhất một công ty cấp thoát nước Việt Nhật đã thí điểm công nghệ làm sạch sông bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản cho sông Tô Lịch… Nhiều giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các sông nội đô đã thực hiện, nhưng đến nay chưa đem lại hiệu quả. Hiện trạng ô nhiễm các dòng sông nội đô Hà Nội vẫn đang là nỗi nhức nhối làm ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan một Thủ đô, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (2): Những dòng sông đang “khóc ròng”, hấp hối -0
Sông Tô Lịch hướng đầu nguồn phía đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy

Đã có đề xuất, nên “cống hóa một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước, ngay cả Tô Lịch, Kim Ngưu”. Tuy nhiên, phương án này nhanh chóng nhận được những ý kiến phản đối. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, việc cống hóa dòng sông là phủ lấp những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, cống hóa giống như đổ bê tông đè lên lịch sử. “Nếu ý tưởng cống hóa được thực hiện sẽ là một thảm họa cho cảnh quan, môi trường của một thành phố trong sông, thành phố xanh sạch đẹp”, PGS. TS Đào Trọng Tứ nêu ý kiến.

Thời gian gần đây, Hà Nội luôn phải hứng chịu những đợt lụt úng sau những trận mưa lớn. Những ngày úng lụt, nhiều phố phường Hà Nội chìm trong biển nước. Nhưng cũng nhờ những cơ mưa ấy mà sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… được thanh tẩy đi những rác bùn tù đọng bấy lâu, sau những trận mưa những con sông như sống dậy, tươi mới và nhiều sức sống hơn.

Theo kết quả quan trắc hiện trạng chất lượng nước các lưu vực sông khu vực phía Bắc tháng 1 năm 2021. Trên sông Nhuệ, đoạn chảy qua TP Hà Nội, trừ điểm Cống Liên Mạc (WQI:51), nước sông ở mức trung bình, các điểm quan trắc còn lại, liên tục trên cả tuyến sông từ điểm Phúc La đến Cống Thần, nước sông bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý (WQI: 13-21). Chất lượng nước các sông nội thành Hà Nội hiện chưa có dấu hiệu được cải thiện, chất lượng nước sông luôn trong tình trạng bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý (WQI: 10-14).

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (2): Những dòng sông đang “khóc ròng”, hấp hối -0
Biểu đồ Diễn biến chất lượng nước trên các sông nội thành Hà Nội 3 đợt năm 2020

Chắc hẳn nhiều người ở Hà Nội còn nhớ trận mưa lụt lịch sử năm 2008. Khi ấy, nước từ hồ Tây qua cống Đõ, nước mưa đổ dồn về lòng sông Tô khiến cả dòng sông cuộn chảy, mang theo đám cá tôm mặc sức xuôi dòng. “Lâu lắm rồi mới thấy Tô Lịch sạch và thơm như thế. Phía trên đường Bưởi cao nên không bị ngập, nhưng không ít, người dân hai bên bờ sông hồ hởi, đổ ra thả lưới, cất vó. Họ vui vì như sống lại thời xưa cũ với con sông sạch, xanh. Nhưng mưa tạnh, nước rút, Tô Lịch lại sống chung với cảnh bùn bã cũ thối, nước đen ngòm, bốc nồng nặc, nhất là vào những đợt nắng nóng...”, bà Trần Thị Thành, phường Bưởi, quận Tây Hồ chia sẻ.

Giờ đây, người dân cao tuổi hai bên bờ sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu có đã quên hình ảnh một dòng sông thơ, nước trong, cá lội, mọi người hóng mát, sinh hoạt hai bên bờ sông. Bởi có lẽ họ đã quá quen với hình ảnh vài người công nhân với trang bịt kín mít còng chiếc thuyền và gầu múc, vớt bùn rác, động vật chết để khơi dòng cho sông. Có lẽ phải sống chung quá lâu, họ phải quen hơn với mùi hôi nồng phả vào trong gió khi đi bên sông…

Sông nối sông đồng loạt ô nhiễm

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn nhận định, chúng ta không còn hình dung ra dòng sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu hay sông Nhuệ trong mát ngày nào, nơi thuyền bè qua lại, người dân tắm mát. Tất cả chỉ còn là ký ức, thậm chí trở thành chuyện hài hước nếu kể ra cho thế hệ trẻ ngày hôm nay - những người chỉ biết đến những dòng sông này ở trạng thái ô nhiễm hiện tại. “Trải qua thời gian, chịu áp lực của sự gia tăng dân số cùng với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, các dòng sông ở Hà Nội thực sự đang bị “bức tử” theo đúng nghĩa đen của nó”, ông Bùi Hoài Sơn nói.

Để sông dài vang mãi khúc hoan ca (2): Những dòng sông đang “khóc ròng”, hấp hối -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn

Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, có nhiều lý do khiến chúng ta chưa giải cứu được các dòng sông, cả chủ quan và khách quan như nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của các dòng sông đối với sự phát triển của đô thị nói chung, văn hoá nói riêng, ý thức của mỗi người dân về môi trường và trách nhiệm đối với dòng sông, không có nguồn lực và kế hoạch khả thi, cũng như sự khó tính của tự nhiên với những lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng đến dòng chảy, cũng như bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa cho phép chúng ta thực hiện được những mơ ước để có những dòng sông thơ mộng trong lòng thành phố như những gì chúng ta chứng kiến ở các nước phát triển.

*Tài liệu tham khảo:

Việt điện u linh của tác giả Lý Thế Xuyên, Nhà sách Khai trí.                              Sách Đại Nam nhất thống chí, người dịch Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, NXB Thuận Hóa.                                                                                              La rivière Tô Lịch dans le paysage de Hanoi (tạm dịch: Sông Tô Lịch trong cảnh quan Hà Nội) của Đỗ Xuân Sơn.                                                                        Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ - Thời Lê Trịnh của ác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng, NXB Kim Đồng.                                                                      “Đi ngang Hà Nội” của Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, NXB Trẻ.

Đức Hiệp - Trang Nhung
#