Phẩm giá làm nên tư chất văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Khi Nhân dân có chính quyền và được Nhân dân ủy thác, Đảng ta trở thành Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền. Tầm nhìn, trí tuệ, ý thức và hành động của Đảng không chỉ ngày càng trực tiếp khẳng định địa vị, nâng cao vai trò và trách nhiệm đáp ứng đòi hỏi của Nhân dân, của lịch sử phát triển của Dân tộc một cách chính danh, chính pháp và chính tín mà còn làm phong phú hơn công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ngày càng ngang tầm văn hóa.
Trên nền tảng pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Đảng, Đảng được giao phó và ủy thác, trong vị thế, trách nhiệm người dẫn dắt Dân tộc một cách chính danh, chính pháp, công khai, minh bạch ngang tầm văn hóa càng rất quan trọng và rất quyết định đối với đổi mới công cuộc lãnh đạo, cầm quyền chính tín của Đảng trước Nhân dân, đất nước và trên trường quốc tế. Nó không chỉ thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh trước lịch sử và dân tộc, sự cầu thị của Đảng ta để ngày càng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” mà ngày càng khẳng định đó còn là đạo lý, một trong những nhân tố căn bản, đòi hỏi đầy lương tâm về vai trò, năng lực và hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quyết định vị thế, uy tín, tầm vóc của Đảng trước Nhân dân, xã hội và bạn bè quốc tế.
Trước hết, Đảng phải thật sự “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” vừa “là con nòi” của giai cấp lao động Việt Nam
Lịch sử thế giới cảnh báo, sự đổ vỡ ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX, các đảng cộng sản ở đó mất vai trò cầm quyền, ngoài nguyên nhân sai lầm về đường lối và mất phương hướng chính trị, còn có nguyên nhân sâu xa bởi tự đánh mất lòng tin và sự ủng hộ của Nhân dân - cơ sở xã hội - chính trị của Đảng, cội nguồn và nền tảng sức mạnh của Đảng, bởi sự suy đồi đạo đức, lối sống, nhân cách khi cầm quyền, ở những người cầm quyền. Nghĩa là, mất từ văn hóa. Do đó, hiện nay, xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, chúng ta không thể không xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách kiên quyết và toàn diện ngang tầm văn hóa. Trọng trách đó đòi hỏi Đảng tiên phong về thực thi và phát triển mục tiêu XHCNbất biến của đất nước, về bảo vệ vô điều kiện nguồn gốc sinh thành của Đảng ta.
Sức mạnh của Đảng khởi nguồn từ sức mạnh vô địch của Nhân dân, được nuôi dưỡng từ “cuống nhau” nối với Nhân dân. Gìn giữ mình thật sự xứng đáng là máu thịt của Nhân dân. Đó là bài học lịch sử vô giá; là con đường sống và phát triển duy nhất làm nên sứ mạng lịch sử và sức mạnh của Đảng ta! Điều sinh tử lúc này, là lợi ích của dân tộc, của đất nước và của Nhân dân ta là vô giá và tối thượng! Xây dựng Đảng vững chắc nhất chính là bắt đầu từ xây dựng và chăm lo lòng Dân và sức Dân - cái gốc của Đảng.
Để xứng đáng với vị thế tiên phong, thì điều quan trọng nhất là, mỗi đảng viên, từng tổ chức đảng phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, phải tự mình nêu gương và tự mình giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho Nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi. Nghĩa là Nhân dân được hưởng và thực thi các quyền đó một cách nhân văn; đến lượt mỗi đảng viên không chỉ là người hướng dẫn và bảo vệ Nhân dân một cách thật sự chân thành, thật sự văn hóa mà còn là người biết lắng nghe, thấu cảm Nhân dân thật sự chân thành và cầu thị. Đó là tư chất của “đứa con nòi” của Nhân dân. Đó chính là phẩm giá, tư chất, vinh dự, bổn phận và cũng là mục tiêu chân chính của Đảng.
Vì thế, hơn bao giờ hết, hiện nay càngđòi hỏi Đảng tiên phong về phương thức hành động trong tự đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn thật sự dũng cảm vì sự trong sạch, vững mạnh, phát triển toàn diện, mang tầm chiến lược của Đảng và hệ thống chính trị. Đây là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo và khẳng định vị thế của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức của Đảng.
Đạo đức của Đảng chính là mục tiêu chính trị, là văn hóa của Đảng
Từ thực tiễn, chúng ta đã nhận diện rõ và cụ thể hơn những biểu hiện về suy thoái tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên ở từng cấp, lĩnh vực, qua đó xác lập hệ thống các giải pháp hành động trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những biểu hiện khác nhau về suy thoái phẩm chất, lối sống; tham ô, tham nhũng; cửa quyền; lợi ích nhóm tiêu cực... chính là sự suy thoái về đạo đức hành động chính trị. Khi một cán bộ lãnh đạo suy thoái về đạo đức thì nêu gương xấu, làm tổn hại tới thanh danh của Đảng. Nói như cổ nhân: Đức hạnh là nền tảng mọi thứ và chân lý là bản chất của mọi đức hạnh.
Đối với Đảng ta, lúc này, chính trị chính là đạo đức và nhất định càng phải là văn hóa.
Khi một đảng viên có đạo đức kém, thì rất khó có thể vượt qua được những cám dỗ tầm thường. Khi suy thoái về chính trị, vẫn còn tồn tại tình trạng chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm vô lối người nhà, người thân… thì tư cách và phẩm hạnh đạo đức lại là vấn đề nóng bỏng nhất, trước khi xét về trình độ chuyên môn hay năng lực chính trị. Suy cho cùng, vị thế chính trị của Đảng với tư cách là người lãnh đạo, cầm quyền ở đây, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức đạo đức, tình cảm đạo đức và hành động đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp. Sự phát triển cao nhất của đạo đức, lúc này, chính là chính trị. Vì thế, xây dựng, chỉnh đốn đạo đức trong Đảng, trước hết phải xây dựng đạo đức từ mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng hiện diện bằng hành động đạo đức, nhân cách hành động của từng cán bộ, đảng viên, uy tín và hiệu quả hoạt động của từng tổ chức đảng ở tất cả các cấp. Đó cũng chính là đòi hỏi sự phát triển tự nhiên và tất yếu của văn hóa, trực tiếp là văn hóa chính trị hiện nay.
Sau gần 37 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường đã tác động toàn diện đời sống xã hội, tới đội ngũ đảng viên một cách rất đa chiều và phức tạp. Đảng ở trong lòng xã hội, Đảng cũng như con người, là một “cơ thể sống”, như lẽ tự nhiên, lại là Đảng lãnh đạo - cầm quyền, nên những tác động đó càng đa chiều và phức tạp. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bộc lộ ra một cách nghiêm trọng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao. Tiền bạc, chức quyền, danh lợi cùng với chủ nghĩa cá nhân đã xâm nhập, chế ngự đáng báo động các quan hệ giữa con người với tổ chức. Tệ quan liêu, xa dân, thói vô trách nhiệm, thậm chí cả thói vô cảm của không ít đảng viên đang ở mức độ nặng nề... Tham nhũng vừa là nguy cơ, vừa là quốc nạn, với những mức độ, hậu quả khác nhau đã và đang “lộng hành” ở không ít cán bộ đủ cấp. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm xói mòn hình ảnh văn hóa đảng viên, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đe dọa tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Kinh nghiệm từng cho thấy: Khi luật pháp trở nên bị khinh nhờn, đạo đức bị buông thả; và ngược lại, khi đó chính trị có nguy cơ băng hoại. Đó cũng chính là sự thất bại về văn hóa.
Thực tế và kinh nghiệm cho thấy, không một đảng cầm quyền nào có thể đứng vững khi cơ sở xã hội - chính trị của Đảng suy yếu, khi mất lòng Dân, khi sự bạc nhược, suy đồi về đạo đức, lối sống và bao trùm là văn hóa ở những cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo.Suy thoái về đạo đức, lối sống làm mất đi khả năng “tự đề kháng” trước những độc tố làm mục ruỗng, băng hoại tư tưởng, chính trị và tổ chức. Nghĩa là rơi vào phi văn hóa.
Vì lẽ đó, ngay từ năm 1927, không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ái Quốc khi viết Đường Kách mệnh, trước lúc Đảng ra đời, Người đã dự cảm sâu xa rằng, đảng cách mạng, người cách mạng “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, lại phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Không có những bảo đảm ấy, người cách mạng sẽ biến chất, hư hỏng và đảng cách mạng sẽ thoái hóa, thất bại, tan rã. Suy thoái đạo đức, lối sống tất yếu dẫn tới những biến dạng về thái độ chính trị, động cơ chính trị và hành động chính trị; dẫn tới suy thoái tư tưởng chính trị, sự yếu kém, rã rời về tổ chức. Lý tưởng chính trị của Đảng quyện trong đạo đức, trở thành đạo đức chính trị của Đảng; đến lượt nó, đạo đức của Đảng cũng chính là mục tiêu chính trị, là văn hóa của Đảng.
Không còn nghi ngờ gì, đối với Đảng ta, lúc này, chính trị chính là đạo đức và nhất định càng phải là văn hóa.