Bất cập lớn trong định hướng phát triển công đoàn
Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn được quy định tại Điều 5 Luật Công đoàn 2012: “Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” và “Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ” (Khoản 1, Điều 6 Luật Công đoàn 2012). Các quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cơ bản rõ ràng, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện; quy định rõ chỉ có đối tượng “người lao động là người Việt Nam” mớicó quyền tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được, việc thực hiện các quy định về thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thời gian qua vẫn tồn tại những hạn chế. Đáng chú ý, Luật Công đoàn 2012 quy định, chỉ những người lao động là người Việt Nam “làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn là hạn chế quyền này đối với người làm việc không có quan hệ lao động, người làm việc trong khu vực phi chính thức. Đây là vấn đề bất cập lớn trong định hướng phát triển công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Khóa XII), nghiệp đoàn cơ sở cùng với công đoàn cơ sở đều là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam. Nghiệp đoàn trong khu vực phi chính thức là một hình thức tổ chức đại diện của người lao động trong khu vực phi chính thức. Nhiều năm qua, các cấp Công đoàn đã triển khai trên quy mô rộng việc thành lập nghiệp đoàn để tập hợp, đại diện bảo vệ cho nhiều nhóm lao động phi chính thức. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III.2023, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở nước ta chiếm đến 65%, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước với số lượng khoảng 33,4 triệu người; lao động khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang phi chính thức. Lao động trong khu vực phi chính thức cũng đã được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động 2019.
Nghiên cứu, bổ sung các quy định về nghiệp đoàn
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đặt ra yêu cầu “Củng cố, phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn địa phương; có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức”. Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028) cũng xác định “Chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng linh hoạt; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, lao động khu vực phi chính thức”.
Để hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn trong khu vực phi chính thức, Tổng Liên đoàn cần: (1) Sớm có chiến lược tổng thể phát triển mô hình nghiệp đoàn và giao cho các Liên đoàn Lao động cấp tỉnh xây dựng kế hoạch địa phương phù hợp điều kiện, đặc điểm của từng ngành nghề, lĩnh vực của địa phương. (2) Có quy định cụ thể hơn, chỉ đạo và giám sát thực hiện trên thực tế việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự quyết của đoàn viên trong bầu chọn người làm tốt cho mình và bãi miễn người mất tín nhiệm với đoàn viên…
Đặc biệt, trong sửa đổi Luật Công đoàn lần này, cần nghiên cứu, xem xét để bổ sung các quy định về nghiệp đoàn để thu hút và tập hợp người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia công đoàn, để người lao động thấy lợi ích được chăm lo, bảo vệ khi tham gia tổ chức công đoàn, từ đó tự nguyện tham gia, gắn bó với tổ chức công đoàn.