Giao 18 mỏ cát sông phục vụ cao tốc
Từ sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp,… các thủ tục khai thác cát sông, phục vụ các công trình cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau dần hoàn thiện. Tuy nhiên, nhiều mỏ cát vẫn chờ thủ tục, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án cao tốc.
Tại Đồng Tháp, theo báo cáo Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), đối với cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh bố trí 7 triệu m3 cát; đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp đã giao 8 mỏ cát, tổng trữ lượng khoảng 7 triệu m3, nhưng đến nay các đơn vị chỉ khai thác hơn 1,7 triệu m3.
Tại An Giang, Giám đốc Sở TN-MT Thái Minh Hiển cho biết, lãnh đạo tỉnh đã ký ban hành bản xác nhận thu hồi khoáng sản đối với 10 khu mỏ khai thác cát sông phục vụ thi công cho tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang - Cà Mau theo cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ, với tổng trữ lượng gần 15,52 triệu m3 cát.
Trong đó, đối với cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, UBND tỉnh An Giang ký giao mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới), diện tích hơn 46ha cho Công ty TNHH Tập đoàn Định An trực tiếp khai thác, phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo cơ chế đặc thù. Cát khai thác chỉ phục vụ thi công đoạn qua TP. Cần Thơ.
Khối lượng cát được phép khai thác gần 3,3 triệu m3; công suất được khai thác bình quân gần 1,2 triệu m3/năm. Cụ thể, năm thứ nhất được khai thác gần 1,9 triệu m3/năm, năm thứ hai gần 1,4 triệu m3/năm. Theo dự kiến, mỏ cát sẽ bắt đầu khai thác vào giữa tháng 4.2024.
Còn đối với cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, UBND tỉnh An Giang giao mỏ cát ở khu vực sông Hậu (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân). Mỏ cát có diện tích 51,67ha, trong đó, khu I có diện tích 35,16ha và khu II có diện tích 16,51ha. Khối lượng được phép khai thác hơn 1,1 triệu m3 và bắt đầu khai thác vào ngày 6.4.2024.
Liên quan đến hai tuyến cao tốc này, các đơn vị được giao mỏ cát đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khai thác cát. Do đó, nhu cầu thực tế nguồn cát phục vụ hai tuyến cao tốc này còn thiếu hàng triệu m3 cát đắp nền.
Thí điểm mở rộng sửdụng cát biển
Tại buổi kiểm tra tiến độ cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau (đoạn đi qua huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) vào ngày 6.3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng nhận định, dự án còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn cát đắp nền. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã bàn giao các mỏ cát cho nhà thầu đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn thiếu khoảng 3 triệu m3 cát.
Do đó, Bộ trưởng Bộ GT-VT yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp chặt với Bộ TN-MT, cùng hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh để nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cấp mỏ cát biển.
Liên quan đến tình trạng thiếu nguồn cát đắp phục vụ cho cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, đoạn đi qua TP. Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, tỉnh Sóc Trăng đang thăm dò, đánh giá lại trữ lượng cát sông, nếu trữ lượng đúng như khảo sát ban đầu thì Sóc Trăng có thể cung cấp cho Cần Thơ 5 triệu m3 cát. Nếu không đủ thì sẽ chuyển sang phương án cát biển nhưng chỉ sử dụng được ở những nơi nhiễm mặn.
Trước tình hình khan hiếm nguồn cát san lấp, Bộ GT-VT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông.
Theo công văn, kết quả đánh giá của Hội đồng cấp bộ (do Bộ GT-VT thành lập) về việc sử dụng cát biển làm nền đường như sau: “Cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “Nền đường - thi công và nghiệm thu”.
Bộ GT-VT nhìn nhận, do dự án thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh), các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ. Vì vậy, việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện.
Đối với việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ô tô cao tốc, Bộ GT-VT hướng dẫn chỉ sử dụng cát biển đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012, sử dụng cho nền đắp có độ chặt K≤ 95 tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại TP. Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự án đi qua địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Dự án được khởi công ngày 1.1.2023, chia thành 2 dự án thành phần, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.
Còn tiếp...