Vật tư đầu vào tương xứng với giá trị nông sản
Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trên 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước. Tuy nhiên, vùng sử dụng lượng phân bón trung bình là 1.071kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Việc lạm dụng phân bón vô cơ không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm thu nhập của nông dân mà còn làm giảm giá trị của nông sản, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân…
Thực tế, chỉ tính riêng giá urea đã tăng từ 6.600 - 6.700 đồng/kg lên tới 14.000 - 16.000 đồng/kg so với mùa vụ trước. Trong khi để bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa, giá 1kg urea tối đa chỉ nên tương đương với giá 2kg lúa. Đầu tháng 10, giá lúa tươi tại ruộng ở mức bình quân trên 5.000 đồng/kg. Như vậy, giá phân urea hiện nay đang cao gấp 3 lần giá lúa. Nếu không tính toán lại phương án cân đối giá vật tư đầu vào, lợi ích người trồng lúa sẽ bị giảm đáng kể.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các nước nhập khẩu đều có xu hướng nâng cao quy định kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, tạo ra rào cản đối với nông sản nhập khẩu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là phải đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho rằng, giá trị nông sản phải bảo đảm không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn tạo ra giá trị bền vững cho họ, để phân bón tăng một đồng thì giá nông sản cũng không thể đứng im.
Theo ông Trung, khi hoạt động nông nghiệp sử dụng hài hòa, hợp lý lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi thì mới tạo ra được những vùng sản xuất có giá trị. Để làm tốt điều này, cần chú trọng nâng cao hiệu quả tập huấn cho từng nhóm đối tượng như nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân về kiến thức liên quan đến sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu và chuỗi liên kết giá trị.
Cùng với đó cần khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào thế hệ mới, hiệu quả cao, an toàn với môi trường để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Việc áp dụng các ứng dụng này cũng cần đi đôi với các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp với điều kiện và cơ sở hạ tầng sẵn có tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc đàm phán mở cửa thị trường.
Tăng lượng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp hiện nay yêu cầu phải sử dụng tối ưu vật tư đầu vào để vừa nâng cao chất lượng, giá trị nông sản theo yêu cầu thị trường, vừa giảm giá thành, gia tăng hiệu quả kinh tế đồng thời duy trì sức sản xuất của đất, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển ổn định, bền vững.
Cục trưởng Hoàng Trung cho rằng, khi tình hình giá phân bón tăng cao, các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn, khuyến khích người dân sử dụng tối đa phân bón hữu cơ. Nếu sử dụng tốt nguồn phân bón hữu cơ sẽ giúp cho người nông dân thay thế một phần phân bón vô cơ. Trong khi đó, phân bón hữu cơ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất cho nông nghiệp, bảo đảm độ tơi xốp và hàm lượng dinh dưỡng cho đất, giúp giảm thiểu việc sử dụng cũng như lệ thuộc vào phân bón vô cơ, loại phân bón đang tăng giá kỷ lục hiện nay.
Tỷ lệ dinh dưỡng 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ đã được các nhà khoa học cho là phù hợp đối với phần lớn cây trồng trên hầu hết các loại đất để có thể vừa bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản vừa nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón đồng thời duy trì, cải thiện được độ phì nhiêu cũng như sức sản xuất của đất.
Thực tế, phân bón hữu cơ đã tăng từ mức 0,8 triệu tấn trước đây lên 2,63 triệu tấn năm 2020. Đây cũng chính là giải pháp mà người dân cần tiếp tục phát huy trong điều kiện hiện nay, sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn nữa trong thời gian tới bởi chúng ta có nguồn phụ phẩm phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ rất phong phú, sẵn có từ phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…
Để chủ động sản xuất lượng phân bón hữu cơ đạt mục tiêu cân đối nêu trên, Cục Bảo vệ thực vật đang chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn từ Trung ương tới địa phương phối hợp với các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ; các viện, trường nghiên cứu, nhà khoa học và các nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loại phân bón hữu cơ chất lượng cao từ các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước cho cả quy mô công nghiệp và quy mô nông hộ; các địa phương cụ thể hóa các chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đã được ban hành tại Luật Trồng trọt.