“Giá mà không bị thương trong trận cuối cùng đánh đồi A1 thì tôi đã được kết nạp Đảng tại trận địa, chắc chắn vinh dự lắm”. Sau 70 năm, ông Hoàng Văn Bảy, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, vẫn đầy tiếc nuối khi kể chuyện chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kết nạp Đảng hụt trên trận địa
Tiểu đội của ông Bảy là tiểu đội xung kích; trận cuối cùng mở lối lên đánh đồi A1, có 10 hàng rào thép gai thì 9 hàng rào đã bị phá bởi đơn vị đánh bộc phá. Bộc phá đã sử dụng hết nhưng phía trước vẫn còn một hàng rào dây thép gai bùng nhùng cản trở quân ta xung phong. Hầm hào, công sự đầy bùn đất, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn…
Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Thông giao nhiệm vụ cho ông Bảy phá hàng rào cuối. Với chiếc kìm và búi dù trắng ông Thông đưa cho, lúc ấy khoảng 1 - 2 giờ sáng ngày 7.5, trời tối và mưa, ông Bảy vẫn tự tin tiến lên, dựa vào pháo sáng của địch để tìm dây thép gai mà cắt. “Khoảng 10 phút, tôi cắt xong hàng rào, xé dù trắng treo hai bên làm dấu đường cho bộ đội ta xung phong”.
Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Đình Cát, khi đó là chiến sĩ thông tin có thành tích xuất sắc, vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. "Trong hầm kết nạp, đọc tuyên thệ, đồng chí Bí thư nhắc nhở, bên ngoài bom đạn vẫn nổ ầm ầm. Trong chiến tranh, không biết sống chết như thế nào mà được kết nạp Đảng thì rất phấn khởi và lâng lâng. Chỉ biết hứa vào Đảng sẽ cố gắng học hỏi các đồng chí Đảng viên, làm tốt bằng bất cứ giá nào".
Tiểu đội của ông Bảy xung phong đầu tiên, vòng về bên trái; tiểu đội thứ hai vòng về bên phải của đồi A1, sau đó các đơn vị cứ thế tiếp tục xông lên. “Tôi theo tiểu đội tiến lên khoảng 60m thì bị thương ở đùi, không bước tiếp được nữa đành nằm lại, y tá băng cho xong cõng tôi xuống hào, đưa về Mường Phăng. Khi mổ lấy đạn trong chân tôi ra xong thì khoảng 5 giờ chiều, điện thoại từ mặt trận gọi về, Điện Biên đã được giải phóng”.
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ đầu, xung phong trong trận đánh đồi A1, mà ông Bảy không được chứng kiến giây phút chiến thắng. Nhưng ông Bảy còn tiếc hơn khi lẽ ra ông đã được kết nạp Đảng tại mặt trận, 10 lời thề đã viết sẵn đút trong túi áo. “Đồng chí Bí thư bảo là giải phóng đồi A1 sẽ kết nạp tôi ngay tại đó, nhưng tôi bị thương, coi như biết mình không được kết nạp ở đồi A1 rồi, tiếc quá ấy chứ”.
Niềm tin son sắt
Chính Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Thông giới thiệu ông Bảy là đối tượng xét kết nạp Đảng, bởi thấy việc gì ông Bảy cũng xung phong; ông Bảy nhớ lại: “Người ta về nghỉ ăn cơm, nằm ngủ thì tôi lên đồi chặt cây thành ngạnh để thay cán cuốc, cán xẻng cho đơn vị. Tầm chập tối thì tôi lại lên đồi chặt một vài bó cây sắn để khi ra trận địa vác theo che hầm đào hào, đỡ nguy hiểm… Làm việc gì tôi cũng xuất sắc hết. Ông ấy (Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Thông - PV) nói muốn vào Đảng phải có tinh thần xung phong, đi đầu như thế”.
Xuất thân từ nông dân nghèo khổ, ông Bảy cũng như đại đa số bộ đội khi ấy được tuyên truyền, giác ngộ rằng, phải đánh đuổi được giặc Pháp thì mới giải phóng được mình, có cuộc sống tự do, ấm no. Thế nên, “Bác Hồ kêu gọi đi bộ đội là đi chứ có biết Đảng là gì đâu. Vào quân đội được giáo dục rằng nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam mà Đảng đưa ra là đánh đổ đế quốc và phong kiến để đem lại quyền lợi cho mình, tôi mới ý thức được vào Đảng là vinh dự lắm. Thế rồi, không quản gì vất vả, khó nhọc, nguy hiểm, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong tiểu đội, có mỗi mình tôi là đối tượng được giới thiệu kết nạp Đảng thôi”, ông Bảy kể đầy tự hào.
Cũng nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, năm 1949, ông Phạm Đức Cư, nguyên Đại đội trưởng, Trung đoàn 367, xung phong nhập ngũ khi mới 19 tuổi. Trải qua chinh chiến, mấy năm sau đó, ông Cư được chọn cử sang Trung Quốc học về pháo phòng không và là người tham gia kéo pháo về nước trực tiếp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Cư bảo, từng chứng kiến cảnh gia đình, làng xóm bị thực dân, phong kiến đàn áp, bóc lột, đói nghèo, rồi đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đổ thực dân, phong kiến, nhân dân ta đổi đời, từ thân phận người nô lệ, bị áp bức, bóc lột, trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình. Vì thế, khi Bác Hồ kêu gọi thanh niên tòng quân cứu nước, “tinh thần ai nấy phấn chấn, hừng hực khí thế, quyết tâm giải phóng dân tộc”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cho dù 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, song theo ông Cư, “tinh thần của anh em bộ đội, chiến sĩ cực kỳ ghê gớm, như thể mình đồng da sắt. Không ai nghĩ đến mình chút nào, dù gian khổ, nhiệm vụ được giao phải hoàn thành. Trước trận đánh, ai cũng có một quyết tâm thư, hứa với cấp trên dù có phải hy sinh thì cũng chiến đấu đến cùng”.
Có được điều ấy là bởi niềm tin, rằng một khi đất nước được độc lập, tự do, ai cũng sẽ có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. “Tin vào thắng lợi, tin vào Đảng, tin vào sự lãnh đạo của chỉ huy, tin vào sức mạnh của chính mình. Không tin thì không làm được”, ông Cư đúc kết.