Trong năm 2022, có tới 92% trẻ em ở Việt Nam sử dụng mạng internet. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ đối diện với tội phạm thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng sẽ rất cao. Đây là chia sẻ của ông Mark Kavenagh, Cố vấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại cuộc Tọa đàm Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức sáng nay, 28.4, tại Hà Nội.

5 nhóm nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng
Với sự phát triển không ngừng của thời kỳ công nghệ số, thì internet là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Hiện có khoảng 2/3 trẻ em thường xuyên tiếp xúc với internet, thậm chí tiếp xúc hàng ngày. Không thể phủ nhận những lợi ích tích cực khi trẻ tham gia môi trường mạng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trẻ cũng đối diện với nhiều nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi. Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, có 96,9% trẻ em sử dụng mạng internet. Một số liệu khác của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên internet. Hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra 5 nhóm nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng.
Theo đó, nhóm nguy cơ thứ nhất, đó là việc trẻ em tiếp xúc với các thông tin độc hại trên internet mà chưa được kiểm soát tốt. Những thông tin về khiêu dâm, bạo lực, thông tin về ma túy, hành vi tiêu cực xuất hiện trên mạng mà khi trẻ sử dụng điện thoại hàng ngày rất dễ tiếp cận. Khi tiếp xúc những thông tin tiêu cực sẽ dẫn tới hậu quả khiến cho trẻ em có suy nghĩ và hành động lệch lạc.
Nhóm nguy cơ thứ hai, trẻ đối diện với việc bị phát tán thông tin riêng tư. Đáng nói, chính phụ huynh là những người vô tình làm “phát tán viên” mà lại không biết rằng hành vi phát tán này là bị cấm. Việc đưa thông tin của trẻ lên mạng vô tình gây ra những rủi ro đối với con em mình. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc đưa thông tin cá nhân như danh tính, hình ảnh thì nguy cơ rủi ro đối với trẻ rất lớn. “Thậm chí hiện nay có những loại tội phạm đi săn lùng trẻ em, chỉ chờ sơ hở thông tin để dụ dỗ, thậm chí có những hành vi như: bắt cóc, hiếp dâm trẻ” – ông Tuân cảnh báo.
Nhóm nguy cơ thứ ba, đó là việc tiếp xúc với môi trường mạng nhưng thiếu sự sát sao của gia đình, có thể dẫn tới trẻ bị “nghiện” mạng xã hội, nghiện game. Ông Tuân cho biết, có khoảng 70 - 80% trẻ em từ 10 - 15 tuổi chơi game, trong đó có khoảng 10 – 15% rơi vào tình trạng nghiện game, việc nghiện game sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các cháu. Tâm sinh lý dễ rơi vào cuộc sống không thực tế, bị ảnh hưởng bởi hình ảnh trong game, dẫn tới sức khỏe, tinh thần không tốt. Đáng nói là, khi đã nghiện rồi thì việc cai nghiện rất khó.
Nhóm nguy cơ thứ tư là trẻ có thể đối diện với việc bị bắt nạt trực tuyến. Đó có thể là tung tin đồn hoặc nhắn những tin tiêu cực gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Nguy hiểm hơn là điều này có thể là khiến cho trẻ rơi vào tình trạng lo âu, hoảng sợ, thậm chí đã có những tình huống xấu dẫn đến tự tử. Trường hợp nữa là đánh nhau, sau đó quay clip đưa lên mạng. Nếu nhà trường và phụ huynh không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến trẻ có những hành vi tiêu cực. Ở Việt Nam khoảng 51% người sử dụng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh thiếu niên cho biết họ từng có liên quan đến vụ bắt nạn liên quan đến đối tượng bị bắt nạt hay có tham gia và thậm chí là chứng kiến những bắt nạt đó. Đây là những con số rất lớn.
Nhóm nguy cơ thứ năm, theo ông Tuân là “rất nguy hiểm”, đó là dụ dỗ, lôi kéo trẻ tham gia hoạt động mại dâm, post những hình ảnh khiêu dâm, và sau đó dẫn dụ đi vào những đường dây lừa đảo.
Liên quan đến vấn đề này, ông Mark Kavenagh, Cố vấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nhiều trường hợp, trong đó có xâm hại tình dục bởi các tư liệu tình dục trên mạng. Trẻ em bị dụ dỗ bởi hình ảnh, video tình dục trên mạng. Công ty trên toàn cầu cũng đã báo cáo, tố giác nhiều trường hợp xâm hại trẻ em trên các nền tảng của họ.
Ngoài ra, tình trạng xâm hại qua trò chơi game cũng rất nhiều. Hiện có 1,7 tỷ người trên thế giới đang chơi game trên mạng, trẻ em thì thích chơi game, đây là rủi ro rất lớn. Trong các trò chơi game có xuất hiện hình thức xâm hại như hình ảnh tình dục, khiêu dâm, dụ dỗ tống tình, tống tiền trẻ em. Thông qua trò chơi, các đối tượng bắt đầu tiếp cận, đưa ra hình ảnh khiêu dâm, từ đó xây dựng mối quan hệ rồi dụ dỗ các em sử dụng các nền tảng khác, ông Mark Kavenagh nói.
Hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng chưa được quan tâm
Đề cập đến những thách thức trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch cho rằng, sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, mạng Internet và mạng xã hội đã làm xuất hiện nhiều trò chơi phim ảnh trên mạng có tính bạo lực, khiêu dâm, đặc biệt là những sản phẩm độc hại. Cùng với đó là tội phạm trên môi trường mạng ngày càng phức tạp bởi phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lấy hình ảnh, thông tin rồi dụ dỗ trẻ em tham gia trò chơi trực tuyến mang tính nguy hại.

Cũng theo bà Lịch, việc phát triển các hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy công tác bảo vệ trên môi trường mạng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là công tác quản lý, cung cấp dịch vụ trò chơi trên mạng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em trên mạng và trên internet và mạng xã hội, chưa được quan tâm nhiều. Chưa có sự quan tâm có tính trọng tâm, trọng điểm để giúp cho con em đồng bào dân tộc thiểu số hiểu thêm về kỹ năng tự bảo vệ, chăm sóc mình.
Ngoài ra bà Lịch cũng chỉ ra thực tế, vùng nông thôn, miền núi đều là vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất hiện nay về việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Do các bậc phụ huynh ở vùng này còn mải lo toan về làm ăn kinh tế và cũng chưa có nhận thức đầy đủ về không gian mạng nên coi việc bảo vệ, phòng tránh xâm hại trẻ em là điều rất bình thường.
Lấy ví dụ trường hợp học sinh lớp 6 mới 12 tuổi ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) sau khi quan hệ yêu đương với bạn trai trên mạng đã có thai và sinh con tại nhà… tắm, bà Lịch cho rằng, đây là hậu quả của việc trẻ tham gia môi trường mạng mà chưa được trang bị kiến thức tốt, chưa được kiểm soát tốt. Thậm chí, còn nhiều trường hợp gia đình lo sợ danh dự, ảnh hưởng đến dòng tộc nên khi con em mắc phải những sai lầm đó lại giấu diếm.