Tín hiệu đáng để hy vọng…
Bộ mặt kiến trúc đô thị của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn khác của nước ta luôn bị đánh giá thiếu bản sắc. Trong số những hạn chế đó, biểu hiện nhãn tiền là kiến trúc muôn hình vạn trạng từ nhà của hộ dân đến khu đô thị, công sở…; lộn xộn số nhà, tên đường phố; quảng cáo khắp nơi và mọi kiểu dáng, kích cỡ, hình khối… Trước thực trạng này, mới đây TP Hà Nội thể hiện một động thái nhằm “đẹp hóa” bộ mặt đô thị Thủ đô. Đó là quy tạo lại tuyến phố Lê Trọng Tấn làm tuyến phố kiểu mẫu, dự kiến sau đó sẽ tiến hành quy tạo lại phố Thái Hà (dự kiến hoàn thiện trước 10.2016). Theo đó, quy định tất cả các biển quảng cáo mặt phố Lê Trọng Tấn phải “đồng phục” cùng kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng. Và cũng mới đây có thông tin TP Đà Nẵng sẽ có “đồng phục mái che”… Ngay lập tức dư luận rộ lên bàn luận, phản ứng đa chiều, khen thì ít, chê thì nhiều.
![]() Nguồn: ITN |
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đánh giá, lâu nay công tác quản lý quảng cáo tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn của nước ta không đến nơi đến chốn. Mặc dù đã ban hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhưng thực trạng vẫn rất lung tung. Từ người dân đến doanh nghiệp, quảng cáo đều mạnh ai nấy làm, khiến bộ mặt đô thị lộn xộn, luộm thuộm, mất trật tự. Từ nhà ra ngõ, rồi phố… biển quảng cáo được gắn mọi nơi, mọi chỗ, biển to, biển nhỏ, treo ngang, dọc tùy ý gây ô nhiễm thị giác. Điều này bộc lộ rõ yếu kém trong công tác quản lý đô thị, và đang làm mất dần uy quyền của các đơn vị chức năng quản lý đô thị. Tuy có cùng quan điểm, nhưng ông Trần Huy Ánh - hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam bổ sung, việc đường phố, số nhà lộn xộn thì những đô thị đang phát triển đều đang vướng phải. Đó là tình trạng chung của đô thị trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội quy tạo đường Lê Trọng Tấn, là một bước đột phá trong thời điểm bộ mặt đô thị còn rối ren như lâu nay. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về kết quả thực hiện của công việc này, song vạn sự khởi đầu nan, đây là tín hiệu đáng để hy vọng sẽ có những động thái tiếp theo từ nhiều cấp, ngành, từ nhiều phía (cả chính quyền và người dân) cùng vào cuộc để chỉnh trang đô thị Việt.
Từ quy hoạch, quản lý... đến ý thức
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính: Ở các nước phát triển, các đường phố, công trình từ kiến trúc, màu sắc, ánh sáng… đến biển quảng cáo đều rất ngăn nắp làm người ta cảm nhận được cuộc sống đô thị luôn trong trật tự, rất văn minh và khiến người dân rất thích. Điều đó thể hiện những người làm công tác quản lý đô thị rất giỏi. Đơn cử, việc kinh doanh của quán café ở vỉa hè thì họ cũng xây dựng rất khéo léo, đẹp và không ảnh hưởng đến các hoạt động khác mà Nhà nước vẫn thu được thuế, phí. |
Nhiều chuyên gia nhận định, ở những đô thị, của các nước phát triển việc quản lý quy hoạch đô thị được thực hiện rất tốt. Bên cạnh tạo nên sự lung linh, đa dạng, hào nhoáng của đô thị thì vẫn luôn giữ được sự ngăn nắp, trật tự, có mỹ thuật nhất định. Chẳng hạn như việc treo biển quảng cáo, tại những khu vực hành chính rất ít quảng cáo, còn nếu là trung tâm thương mại thì mật độ quảng cáo dày đặc. Thực tế, bản chất quảng cáo là thể hiện mối quan hệ mua - bán, thương mại và cũng là một phần của vẻ đẹp đô thị nên cần trân trọng vẻ đẹp đó. Họ rất tôn trọng cách quảng cáo, biết cách chưng quảng cáo khiến biển ban ngày có vẻ đẹp ban ngày, ban đêm cũng rất lung linh đẹp kiểu ban đêm. Nói đến New York, Paris, Moscow, Tokyo và ngay cả Thâm Quyến, người ta đều thấy việc quy hoạch đô thị có nét riêng biệt, phù hợp với lịch sử phát triển của đô thị. Đặc biệt, họ luôn đồng bộ từ giao thông, công trình ngầm, vỉa hè, cây xanh, mạng lưới dây điện... và đến quảng cáo cũng rất nền nếp.
Nhìn vào thực tế nước ta, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, đánh giá quy hoạch kiến trúc và phát triển đô thị ở nước ta hiện nay đã có đủ “bột” nhưng vẫn chưa “gột nên hồ”. Dẫn ví dụ cụ thể về đô thị Hà Nội, thì đây là đô thị được tập trung ưu tiên ở mọi lĩnh vực, gồm định hướng về kinh tế - xã hội, quy hoạch chung của Thủ đô, quy hoạch các ngành như điện, giao thông, đặc biệt là có Luật Thủ đô, chưa kể còn nhiều ưu tiên các nguồn vốn để phát triển các lĩnh vực. Theo đó, Hà Nội có đủ điều kiện để “thay áo mới” về kiến trúc đô thị nhưng tiếc là chưa làm được. Để đô thị phát triển, ngoài việc quy hoạch chất lượng tốt với nền tảng là các chuyên gia giỏi, hội nghề nghiệp tham vấn thì cần quản lý tốt, đặc biệt cần xây dựng ý thức làm đẹp Thủ đô trong mỗi người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, việc cải tạo và chỉnh trang đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, muốn đạt được hiệu quả bền vững cần lưu tâm đến nhiều yếu tố như kiến trúc, không gian kiến trúc; quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường, tiện ích đô thị.