Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao
Theo ghi nhận của Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk: giai đoạn 2015 - 2022, các dự án đầu tư sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện, các nhà đầu tư đã tích cực triển khai đưa dự án đi vào hoạt động, sử dụng đất đúng mục đích được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, đưa đất vào sử dụng theo dự án được UBND tỉnh chấp thuận, đã phát huy được hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất. Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất đối với các dự án được quan tâm, chú trọng, triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua đó, đã xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những bất cập, hạn chế; đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực tại địa phương được cấp thẩm quyền phê duyệt còn chậm; nội dung, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao; chưa dự báo, định hướng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh và nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Số lượng dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách được cấp quyết định chủ trương đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quá trình thực hiện dự án, một số nhà đầu tư sử dụng đất chưa hiệu quả, không đưa đất vào sử dụng liên tục trong 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất thực địa phải đưa vào sử dụng; tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày nhận bàn giao đất thực địa phải đưa vào sử dụng.
Hạ tầng về giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, gây khó khăn cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, giảm tính kết nối giữa vùng nguyên liệu và nhà máy, làm tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến công tác kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; hoặc ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác xây dựng dự án. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa được xây dựng hạ tầng đồng bộ, bảo đảm các điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng gây khó khăn cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Thực tế hiện nay, quỹ đất từ các công ty nông lâm nghiệp chuyển giao về cho các địa phương quản lý (khoảng 264.000ha) là điều kiện thu hút các dự án phát triển nông lâm nghiệp nhưng việc xây dựng Phương án sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn chậm.
Chưa chú trọng kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án
Bên cạnh khó khăn khách quan, nguyên nhân chủ quan được Đoàn giám sát xác định do việc lựa chọn một số đơn vị tư vấn năng lực còn hạn chế, dẫn đến công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đất đai đôi lúc vẫn còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn; thu hồi đất do vi phạm pháp luật phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục, mất nhiều thời gian; việc xử lý tài sản gắn liền với đất thu hồi do vi phạm pháp luật còn gặp khó khăn, chưa có chế tài đầy đủ để xử lý.
Đáng chú ý, chính quyền một số địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Một số địa phương chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai nói chung và đất đai tại các dự án nói riêng, chưa chú trọng, quan tâm theo dõi, kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án, chưa kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin về sai phạm của các dự án để các cơ quan có thẩm quyền có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư không bảo đảm nguồn lực tài chính và thiếu năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án theo tiến độ. Các nhà đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện báo cáo tiến độ tình hình thực hiện dự án đầu tư sau khi có quyết định chủ trương đầu tư cho các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến việc nắm bắt thông tin về tình hình triển khai dự án và hỗ trợ cho nhà đầu tư chưa kịp thời; một số nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến việc tiến hành các thủ tục đầu tư, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tập trung nguồn lực... để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; vẫn còn hiện tượng trông chờ, tìm kiếm đối tác tham gia thực hiện dự án, dẫn đến kết quả triển khai dự án không như mong muốn, không bảo đảm tiến độ quy định.