Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành - Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2020 - 2022, công tác xử lý VPHC được thực hiện cơ bản nghiêm túc. Đảng uỷ, Lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý xử lý VPHC. Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý xử lý VPHC được quan tâm thực hiện. Việc áp dụng pháp luật về xử lý VPHC cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn theo quy định.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, Công an tỉnh đã ban hành 142.803 quyết định xử phạt VPHC với tổng số tiền phạt hơn 247 tỷ đồng. Số quyết định chưa thực hiện xong là 11.845. Nguyên nhân do người vi phạm chưa đến nộp phạt, vắng mặt ở địa phương; số tiền nộp phạt cao hơn so với giá trị phương tiện đang bị tạm giữ; người vi phạm đang chấp hành án phạt tù tại trại giam...
Cũng trong giai đoạn này, đã có 79 vụ với 87 đối tượng đã chuyển sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố cả 87 đối tượng.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, báo cáo và giám sát tại các huyện, thành phố Đoàn giám sát cũng đã chỉ rõ công tác xử lý vi phạm hành chính do ngành công an tham mưu, thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xử lý VPHC còn hạn chế; công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ về xử lý VPHC cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ, tham mưu thực hiện nhiệm vụ còn chưa thường xuyên; việc theo dõi, đôn đốc thi hành quyết định xử phạt VPHC vẫn thiếu quyết liệt, chưa hiệu quả (tổng số 11.845 quyết định chưa thi hành xong); còn vụ việc chậm giao quyết định xử phạt VPHC cho người vi phạm; việc thực hiện quyền giải trình của tổ chức, cá nhân vi phạm chưa được quan tâm thực hiện; một số hồ sơ thể hiện việc xử lý hành vi vi phạm chưa triệt để;
Các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận định, việc thiết lập 1 số loại văn bản, tài liệu làm căn cứ xử phạt còn chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ; công an cấp huyện, xã không ghi rõ mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm trong quyết định xử phạt VPHC; sử dụng mẫu Biên bản không đúng theo thủ tục xử lý VPHC; thực hiện mức phạt tối thiểu của khung hình phạt mà không có căn cứ...
Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: với chức năng, nhiệm vụ được phân công, Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn khó khăn do đa số các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đều do lực lượng công an phát hiện, kiểm tra đề xuất xử lý; sự phối hợp giữa các địa phương ở các địa bàn giáp ranh (giữa các huyện, các xã) chưa được thường xuyên, liên tục, chưa đem lại hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác xử lý VPHC thường xuyên có sự thay đổi do yêu cầu công tác và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của ngành...
Thông qua buổi làm việc, Công an tỉnh cũng đề xuất một số kiến nghị với Trung ương, tỉnh như: bổ sung quy định hình thức tạm giữ phương tiện có thời hạn sau khi đã ra quyết định xử lý VPHC đối với hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”. UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, trao đổi thông tin tài liệu có liên quan đến các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm. Sở Giao thông - Vận tải phối hợp chặt chẽ trong việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm công tác thông tin trao đổi khi có yêu cầu.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường Trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành ghi nhận kết quả đạt được của Công an tỉnh trong lĩnh vực xử lý VPHC. Đồng thời, đề nghị: thời gian tới đơn vị cần chỉ đạo các cơ quan, UBND cấp xã rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm, sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được Đoàn Giám sát chỉ ra. Quan tâm chỉ đạo, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chú trọng theo dõi, đôn đốc việc thi hành các quyết định xử lý VPHC, sớm đưa ra các giải pháp xử lý các trường hợp còn tồn đọng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý VPHC; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác này cho cán bộ trực tiếp thực hiện. Quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công an cấp xã trong thực hiện thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm bảo đảm tính thống nhất. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh để kịp thời tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý VPHC trên địa bàn.