Để đạt được kết quả trên, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ủy ban quốc gia (UBQG) về Chuyển đổi số.
Tính đến nay, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu của UBQG về chuyển đổi số giao, cụ thể như: tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 74%.
Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh/ Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 52,3%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đạt 100%.
Tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; 97,3% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 98,04% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 84,02% dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 85% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Song song đó, việc triển khai kết nối giữa Hệ thống thông tin Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin chuyên ngành đến nay đã hoàn thành như: CSDLQG về Dân cư; Bảo hiểm; Đất đai; Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; Hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng Bảo trợ xã hội…
Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn một số chỉ tiêu do UBQG về Chuyển đổi số giao trong năm 2023 nhưng chưa có hướng dẫn nên địa phương rất lúng túng để triển khai thực hiện như: 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa; 10% hoạt động kiểm tra hành chính định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước đối với đối tượng quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm 16% GRDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chiếm tỷ lệ trên 8,5%...
Về công tác triển khai thực hiện Đề án 06, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh tại 118/118 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 100% với 246.407 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân; phối hợp làm sạch dữ liệu công dân đóng bảo hiểm xã hội, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được 862.820 người, đạt 86,5%; có 284.286/999.545 người tham gia BHXH, BHYT cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, đạt 28%; Thực hiện thu học phí, thu tiền điện, tiền nước không cần dùng tiền mặt và chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho 7.999 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh; tổ chức cấp 100% thẻ căn cước công dân cho học sinh chuẩn bị thi THCS, THPT đảm bảo chỉ tiêu Bộ Công an giao; công tác cấp thẻ CCCD gắn chíp cho công dân đến độ tuổi đang cư trú trên địa bàn đủ điều kiện cơ bản đã hoàn thành; đã thu nhận hồ sơ cấp 478.228 tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, đạt tỷ lệ thu nhận 77,7% và kích hoạt được 225.020/615.198 tài khoản, đạt tỷ lệ 36,6%...
Đáng chú ý Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương nằm trong nhóm 14 địa phương dẫn đầu về “Thể chế số” (Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Hưng Yên, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu); Tỉnh cũng nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về “Hạ tầng số” (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang).