Tỷ lệ sinh toàn cầu tiếp tục giảm
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sinh trên toàn cầu đã giảm từ 4,84 năm 1950 xuống 2,23 vào năm 2021 và sẽ tiếp tục giảm xuống 1,59 vào năm 2100.
Tác giả chính của nghiên cứu trên, Tiến sĩ Christopher Murray cho biết, có nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi này, bao gồm tăng cơ hội cho phụ nữ trong giáo dục và việc làm cũng như khả năng tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ tránh thai và sức khỏe sinh sản. Hơn nữa, các yếu tố kinh tế như chi phí trực tiếp để nuôi dạy con cái, nhận thức về nguy cơ tử vong ở trẻ em và sự thay đổi các giá trị về bình đẳng giới và sự tự hoàn thiện bản thân là tất cả những yếu tố có thể góp phần làm giảm tỷ lệ sinh. Ngoài ra, sự đóng góp tương đối của các yếu tố này thay đổi theo thời gian và tùy theo quốc gia.
Để duy trì dân số ổn định, các quốc gia cần có tổng tỷ suất sinh là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ, một con số được gọi là mức thay thế. Khi tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức thay thế, dân số bắt đầu co lại. Theo báo cáo phân tích, 46% quốc gia có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế vào năm 2021, và con số đó sẽ tăng lên 97% vào năm 2100, nghĩa là dân số của hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ giảm vào cuối thế kỷ này, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về địa chính trị, kinh tế và xã hội.
Theo nhà nhân khẩu học Jennifer D.Sciubba, những gì thế giới đang trải qua hiện nay và đã trải qua trong nhiều thập kỷ là điều chưa từng thấy trước đây trong lịch sử loài người, đó là một sự thay đổi quy mô lớn, xuyên quốc gia, đa văn hóa theo hướng ưa thích và mong muốn những gia đình nhỏ hơn.
Nguy cơ chia rẽ về nhân khẩu học
Tỷ lệ sinh ở hầu hết các quốc gia sẽ trở nên quá thấp để có thể duy trì các mức dân số vào cuối thế kỷ này và hầu hết các ca sinh trên thế giới sẽ diễn ra ở các nước nghèo hơn. Xu hướng này sẽ dẫn đến sự phân chia “baby boom - thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh” và “baby bust - thế hệ có tỷ lệ sinh giảm sút bất thường” trên toàn thế giới, dẫn đến sự bùng nổ về sinh đẻ tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp vốn dễ bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về kinh tế và chính trị hơn.
Nghiên cứu dự đoán rằng, tỷ lệ trẻ sinh sống trên thế giới ở các khu vực thu nhập thấp sẽ tăng gần gấp đôi từ 18% vào năm 2021 lên 35% vào năm 2100. Riêng khu vực châu Phi cận Sahara sẽ chiếm 1/2 trẻ em được sinh ra trên hành tinh vào năm 2100.
Theo đó, các quốc gia có thu nhập cao với tỷ lệ sinh giảm mạnh sẽ trải qua sự thay đổi theo hướng dân số già, điều này sẽ gây áp lực lên bảo hiểm y tế quốc gia, các chương trình an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Trong khi đó, tỷ lệ sinh nhiều hơn ở các nước thu nhập thấp sẽ đe dọa an ninh lương thực, nước và các tài nguyên khác và sẽ khiến việc cải thiện tỷ lệ tử vong ở trẻ em càng trở nên khó khăn hơn. Phân tích dự đoán, sự bất ổn chính trị và các vấn đề an ninh cũng có thể nảy sinh ở những khu vực dễ bị tổn thương này.
Thách thức lớn đối với các quốc gia ở châu Phi cận Sahara có tỷ lệ sinh cao nhất là quản lý rủi ro liên quan đến tốc độ tăng dân số ngày càng tăng hoặc nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tiềm ẩn. Theo phân tích, sự thay đổi trong phân bố trẻ sinh sống sẽ tạo ra một “thế giới bị chia rẽ về mặt nhân khẩu học”, trong đó các quốc gia có thu nhập cao phải đối mặt với hậu quả của dân số già và lực lượng lao động suy giảm trong khi các khu vực có thu nhập thấp duy trì tỷ lệ sinh cao gây căng thẳng cho các nguồn lực hiện có.
Giáo sư của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha Tiến sĩ Teresa Castro Martín cho biết, nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật sự tương phản về nhân khẩu học giữa các quốc gia giàu nhất - với tỷ lệ sinh rất thấp và các quốc gia nghèo nhất - với tỷ lệ sinh vẫn cao… Trên toàn cầu, số ca sinh sẽ ngày càng tập trung ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, bất ổn chính trị, nghèo đói và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh”.
Thúc đẩy các chính sách an toàn và có lợi
Tiến sĩ Austin E.Schumacher nhận định rằng, những thay đổi sâu sắc về mức sinh trong tương lai cho thấy sự phân chia nhân khẩu học rõ ràng giữa tác động lên nhiều quốc gia có thu nhập trung bình đến cao so với nhiều địa điểm có thu nhập thấp. Điều này đòi hỏi chính phủ các nước phải thực hiện các chính sách an toàn và có lợi để giúp hỗ trợ các điều kiện có thể làm tăng tỷ lệ sinh ở các quốc gia có thu nhập thấp. Và thời gian là điều cốt yếu, vì những nỗ lực hiện tại nhằm quản lý sự gia tăng dân số có thể sẽ chỉ được thực hiện sau năm 2050.
Những phân tích trên của các chuyên gia cho thấy các nỗ lực phối hợp nhằm đẩy nhanh khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại và giáo dục cho phụ nữ là hai yếu tố chính thúc đẩy khả năng sinh sản, có thể giúp đẩy nhanh tốc độ giảm mức sinh và giảm tỷ lệ sinh ở các quốc gia có mức sinh cao hơn. Chẳng hạn ở khu vực châu Phi cận Sahara, các dự báo ước tính việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc về phổ cập giáo dục cho phụ nữ chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai hiện đại vào năm 2030. Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ sinh là 2,3 ca sinh trên mỗi phụ nữ vào năm 2050, so với khoảng 2,7 ca sinh nếu những mục tiêu này không được đáp ứng.
Ở những quốc gia đang có mức sinh cao nhất, thì mức tăng có thể còn lớn hơn. Ví dụ, ở Niger, tổng tỷ suất sinh được dự đoán là 5 trẻ/nữ vào năm 2050, nhưng nếu đạt được mục tiêu giáo dục phổ cập vào năm 2030 thì tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,7 trẻ/nữ vào năm 2050. Mặc dù việc đạt được cả hai mục tiêu phổ cập ở tất cả các địa điểm vào năm 2030 có thể nằm ngoài tầm với, nhưng rõ ràng là việc giải quyết bùng nổ dân số ở các quốc gia có mức sinh cao hơn phụ thuộc rất nhiều vào việc thúc đẩy tiến bộ trong giáo dục cho trẻ em gái và quyền sinh sản.
Trong khi đó, tại các quốc gia có thu nhập cao với tỷ lệ sinh giảm mạnh sẽ trải qua sự thay đổi theo hướng dân số già, điều này sẽ gây áp lực lên bảo hiểm y tế quốc gia, các chương trình an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, cũng như phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Do đó, việc quan trọng mà chính phủ cần phải làm là thực hiện kết hợp các chính sách hỗ trợ những người mong muốn có con và mang lại lợi ích cho xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Để cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động, các chính sách đổi mới lao động và nhập cư cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ, như tận dụng những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, có thể giúp giảm một số tác động kinh tế của sự thay đổi nhân khẩu học này.