Gia Lai tăng cường các giải pháp giảm tai nạn giao thông

- Thứ Năm, 06/10/2022, 21:55 - Bản đầy đủ

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có những vụ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để giảm thiểu tình trạng này, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 253 vụ tai nạn giao thông, làm 179 người chết, 209 người bị thương (tăng 22 vụ, tăng 13 người chết và tăng 31 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021). Riêng trong tháng 9.2022 có 30 vụ TNGT xảy ra, làm 26 người chết, 15 người bị thương (tăng 14 vụ, tăng 14 người chết và tăng 7 người bị thương so với tháng 8).

Trong số các vụ TNGT nêu trên, có không ít nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng do người điều khiểu phương tiện là các thanh thiếu niên, trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.

Các thiếu niên điều khiển phương tiện không đúng quy định tại trung tâm TP Pleiku, tỉnh Gia Lai

Theo tổng hợp từ Văn phòng ATGT tỉnh Gia Lai, thời gian gần đây, trên một số địa bàn có hiện tượng các thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, rú ga, chạy tốc độ cao diễn ra ở một số địa phương nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn triệt để gây bất an cho người tham gia giao thông; đặc biệt là gia tăng nghiêm trọng tình trạng người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông gây tai nạn. Từ ngày 01.9 đến ngày 07.9.2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ TNGT, làm 07 người chết và 03 người bị thương (so với thời gian trước liền kề, tăng 100% số vụ, tăng 600% số người chết); riêng 02 ngày 10.9 và 11.9.2022, trên địa bàn thành phố Pleiku liên tiếp xảy ra 02 vụ TNGT trên Quốc lộ 19 và Đường Hồ Chí Minh, làm 04 người chết và 01 người bị thương, đều liên quan đến thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số chưa đủ tuổi, cá biệt có trường hợp sinh năm 2009, điều khiển xe mô tô tham gia giao thông.

Lực lượng CSGT tăng cường xử lý, tuyên truyền đến người dân vùng DTTS về Luật ATGT đường bộ

Nói về nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT nêu trên, tại cuộc họp do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, Giám đốc Công an tỉnh - Thiếu tướng Rah Lan Lâm cho rằng: “tai nạn chủ yếu do các lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như: lấn đường, không chú ý quan sát, vi phạm về tốc độ, khoảng cách an toàn... công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các ngành, địa phương chưa đến nơi đến chốn”. 

Trước thực trạng đáng báo động trên, nhằm hạn chế các vụ TNGT xảy ra trong các tháng cuối năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đã ký Công văn hỏa tốc số 2112/UBND-NC gửi các ngành, địa phương về việc tăng cường chỉ đạo, triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phương tiện độ chế chở hàng quá khổ, chở người lưu thông trên QL25 là nguy cơ dẫn đến TNGT

UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của thanh-thiếu niên, nhất là thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số; tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT như: vi phạm nồng độ cồn; chạy xe quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; người chưa đủ tuổi, người không có giấy phép lái xe theo quy định vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 979/KH-CAT-PV01 ngày 15-9-2021 của Công an tỉnh về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng-chống tội phạm tại địa bàn cơ sở; tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa Phòng Cảnh sát Giao thông với Công an cấp huyện có tuyến quốc lộ đi qua.  

Thực hiện chỉ đạo trên, các ngành, địa phương trong tỉnh đã gấp rút triển khai công tác phối hợp, đưa ra các giải pháp đồng bộ trong kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, kết hợp tuyên truyền Luật ATGT đường bộ đến với đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Riêng lực lượng Công an tỉnh, để tạo chuyển biến tích cực, bền vững trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng, chống tội phạm. Với yêu cầu cao nhất là huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với nhiệm vụ phòng-chống tội phạm ở địa bàn cơ sở, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu tháng 10, Giám đốc Công an tỉnh đã phát động đợt thi đua đặc biệt trong lực lượng Công an toàn tỉnh, thời gian triển khai từ 1.10 đến 31.12.2022 với mục tiêu “Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng, chống tội phạm”

Theo Thiếu tướng Rah Lan Lâm, thời gian qua, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân.

Hiện, theo rà soát của ngành Công an, trên địa bàn tỉnh còn 61 “điểm đen”, 48 đoạn đường dễ xảy ra TNGT; một số cơ sở hạ tầng xuống cấp về hệ thống biển báo, đèn cảnh báo nguy hiểm, gờ giảm tốc, đèn chiếu sáng… Vì vậy, hệ thống chính trị các cấp phải cùng vào cuộc để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên mới kéo giảm được tai nạn giao thông. Lực lượng Công an cũng sẽ quyết tâm, quyết liệt ra quân để triển khai thực hiện, cố gắng kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 chỉ số.

Công an tỉnh Gia Lai đã tập trung xử lý các phương tiện cơ giới cơi nới thành thùng, chở hàng hóa quá khổ, quá tải góp phần giảm TNGT trên địa bàn

Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm TNGT và số người tử vong do TNGT gây ra, việc nâng cao ý thức, chấp hành các qui định Luật ATGT đường bộ của người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng để đem lại hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng.

Quang Huy

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP