Buôn vải, bị giật nợ cả tỷ đồng…
Anh Sa Lê (dân tộc Chăm, ngụ xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đến với nghề nuôi le le cũng thật tình cờ.
Theo anh Sa Lê, hơn 10 năm trước, gia đình anh sống bằng nghề mua bán vải. Để sống được với nghề, anh Sa Lê phải đi khắp các tỉnh miền Tây bán vải. Tuy nhiên, do đặc thù của người dân vùng này, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mùa lúa, vụ hoa màu nên đa phần anh bán vải thiếu cho người dân.
Anh Sa Lê kể: “Khi mình đi bán, ngoài việc bán thiếu cho người dân thì tôi còn bán thiếu cho nhiều tiệm vải lớn. Tuy nhiên, nhiều người vì nhiều lí do, họ không trả tiền, dần dà số tiền bán thiếu lên vài trăm triệu đồng; thậm chí có thời điểm số tiền nợ lên cả tỷ đồng. Do không đòi được tiền nên không còn vốn để lấy vải nên tôi bỏ nghề”.
Khi bỏ nghề bán vải, anh Sa Lê trải qua nhiều công việc để nuôi sống gia đình, như: phụ hồ, chạy xe, đào đất,… Thấy thế, anh em trong họ, góp tiền cho anh mua vải bán nhưng do vốn ít nên khó cạnh tranh rồi anh bỏ hẳn nghề bán vải.
Những lúc rảnh rỗi, bà con trong xóm, ai thuê làm gì, anh không nề hà từ chối, miễn sao có tiền nuôi sống gia đình. Sau đó, qua báo đài, anh Sa Lê biết mô hình nuôi le le mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tìm hiểu, học hỏi.
Anh Sa Lê, kể: “Trong một lần đi làm thuê, tôi bắt được cặp le le ngoài đồng ruộng, mang về nuôi thử. Chăm sóc le le theo cách học hỏi được, cặp le le dễ ăn, dễ sống và mau lớn. Từ cặp le le ban đầu, tôi tạo đàn và mua thêm le le giống về nuôi, nhờ đó đàn le le cứ tăng dần. Có thời điểm, khoảng năm 2012 - 2015, đàn le le gia đình tăng lên cả nghìn con”.
Quyết tâm nuôi le le, anh Sa Lê thuê hết phần đất phía sau, rộng hàng nghìn mét vuông để giăng lưới, đào ao, trồng cỏ, thả bèo,… nuôi le le. Ngoài ra, để bảo vệ đàn le le khỏi đám chuột, rắn, hoặc bỏ đàn, anh Sa Lê làm một cái nhà kín nhưng chỉ dùng lưới màn nhỏ bao chặt xung quanh.
Le le là loại động vật hoang dã, chúng thích sống ở bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng. Cũng chính đặc điểm hoang dã nên bản thân le le có sức đề kháng rất cao, hiếm khi bị bệnh.
Trả nợ, làm giàu nhờ con le le
Anh Sa Lê khẳng định, chính nhờ nghề nuôi le le đã giúp gia đình anh trả hết nợ nần; mỗi năm còn thu vài trăm triệu đồng từ nghề bán le le giống; bán le le thịt.
Theo anh Sa Lê, khi còn nhỏ, le le ăn cám công nghiệp, lớn lên ăn lúa, ăn cỏ, lục bình. Le le nuôi trung bình từ 6 -7 tháng là có thể xuất bán; khi đó, mỗi con đạt trọng lượng tư 400-500g. Do thịt le le bổ dưỡng, nguồn cung không nhiều nên mỗi con le le, anh Sa Lê bán với giá, từ 300.000 – 500.000 đồng/con.
Khi đàn le le đến tuổi trưởng thành, những con le le bắt cặp với nhau, anh bắt đầu tách đàn để chúng giao phối, con cái đẻ trứng. Mỗi năm một con le le cái đẻ từ 3-5 lần, mỗi lần từ 5-8 trứng. Hiện tại, anh đang sở hữu 700 con le le trưởng thành, khoảng 2 tháng nữa, chúng bắt đầu đẻ trứng.
Những năm gần đây, anh Sa Lê dùng máy ấp trứng, tạo ra con giống, bán cho người dân với giá từ 100.000 – 300.000 đồng/con. Riêng le le bố mẹ, mỗi con có giá từ 400.000 – 500.000/con.
Anh Sa Lê kể, anh là người thích lao động nên 10 năm qua, anh thực hiện nhiều mô hình, như: nuôi dê, nuôi gà,…Nhưng mô hình nào cũng làm anh lỗ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Chỉ duy nhất con le le, giúp kinh tế gia đình anh ổn định bao năm qua.
Ông Dương Thành Don - Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Hanh, cho biết: “Vì con le le là loài động vật hoang dã nên cần môi trường sống phù hợp, tập tính, sinh trưởng cũng khác nhiều so với một số vật nuôi thông thường khác. Do đó, người nuôi cần học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi lâu năm như a Sa Lê để làm cho đúng cách mới mang lại hiệu quả kinh tế.
Nói về việc phát triển mô hình này trong thời gian tới, ông Don khẳng định, mấy năm qua mô hình nuôi le le của anh Sa Lê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, mô hình này khó nhân rộng ra người dân, vì đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn; người nuôi phải chăm chỉ, nhất là le le còn nhỏ.