Liên minh Mỹ - Philippines lung lay

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:51 - Bản đầy đủ
Theo truyền thông Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã chính thức thông qua quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) ký với Mỹ năm 1998. Đây là thỏa thuận cung cấp cơ sở pháp lý cho hàng nghìn binh lính Mỹ sang Philippines tập trận, huấn luyện và tham gia các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Động thái trên cho thấy, mối quan hệ của hai quốc gia đồng minh đang đối mặt với sóng gió chưa từng có.

Đòn trả đũa

Quyết định hủy bỏ VFA được đưa ra sau khi Mỹ thu hồi thị thực của Thượng nghị sĩ Roland dela Rosa, người dẫn đầu chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte. Mặc dù phía Mỹ không đưa ra lý do cụ thể cho việc bác visa, nhưng ông Roland tin rằng, nguyên nhân có liên quan đến các cáo buộc ông tử hình không qua xét xử nhiều nghi phạm trong thời điểm chiến dịch chống ma túy tại Philippines đang ở giai đoạn cao trào. Các thống kê chỉ ra rằng, ít nhất 5.000 người đã thiệt mạng, tuy nhiên cảnh sát khẳng định chỉ nổ súng vào các nghi phạm để tự vệ. Hôm 23.1, Tổng thống Rodrigo Duterte thậm chí đã gửi tối hậu thư cảnh báo “trong vòng một tháng” sẽ hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ nếu Washington không cấp thị thực cho đồng minh chính trị của ông.

Theo phát ngôn viên Tổng thống, ông Salvador Panelo, diễn biến mới nhất là kết quả của các hành động lập pháp và hành pháp mà Mỹ đã thực hiện, thể hiện sự không tôn trọng đối với hệ thống tư pháp của Philippines. Năm 2019, Tổng thống Donald Trump từng ký dự luật ngân sách mà trước đó Quốc hội đã thông qua, bao gồm điều khoản cấm cho phép nhập cảnh vào Mỹ đối với các “quan chức nước ngoài có liên quan tới việc bỏ tù sai trái Thượng nghị sĩ Leila de Lima, người bị bắt giữ tại Philippines năm 2017”. Bà Lima là một trong những người chỉ trích kịch liệt các chính sách của ông Duterte, trong đó có cuộc chiến chống ma túy trước khi bị bắt. Để trả đũa, ông Duterte cũng đã cấm 3 Thượng nghị sĩ Mỹ, những người kêu gọi thả bà Lima, được nhập cảnh Philippines. Ông chỉ trích Washington đã can thiệp thô bạo vào nội bộ nước này.

Quay lại chủ đề VFA, thỏa thuận trên có hiệu lực từ 27.5.1999 nhằm củng cố vai trò vững chắc của liên minh hai nước, cũng như thiết lập các quy tắc cho binh sĩ Mỹ hoạt động tại Philippines. Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự ở Philippines sau khi quốc gia Đông Nam Á này chính thức giành độc lập năm 1945 và cho phép Hải quân, Không quân và Lục quân Mỹ đồn trú tại các căn cứ trên quần đảo của mình.

Tuy nhiên, Tổng thống Philippines từng cáo buộc chú Sam sử dụng thỏa thuận để tiến hành các hoạt động bí mật như gián điệp hay tàng trữ vũ khí hạt nhân, gây nguy hiểm đối với Philippines. Cuối năm 2016, ông còn đe dọa hủy bỏ VFA khi cơ quan viện trợ Mỹ tạm đình chỉ tài trợ cho các dự án chống đói nghèo tại nước này.

Vì vậy, giải thích cho quyết định mới nhất của Philippines, ông Salvador Panelo dẫn lời Tổng thống khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta phải tự lực, Philippines sẽ củng cố năng lực quốc phòng của mình và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác”. Theo các điều khoản được quy định trong VFA, việc rút khỏi thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực trong 180 ngày, khoảng thời gian để hai bên có thể đàm phán. Tuy nhiên, theo ông Panelo, Tổng thống Duterte sẽ không xem xét bất cứ đề xuất nào đến từ Mỹ nhằm cứu vãn VFA, cũng như không chấp nhận lời mời thăm chính thức Mỹ. Được biết, nhà lãnh đạo Philippines đã hủy bỏ lời mời của Tổng thống Donald Trump về cuộc gặp đặc biệt mà ông chủ Nhà Trắng sẽ chủ trì với lãnh đạo các nước ASEAN vào tháng 3 tới ở Las Vegas.

Hậu thỏa thuận sẽ như thế nào?

Phản ứng trước động thái của ông chủ điện Malacanang, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cảnh báo, bước đi nghiêm trọng từ phía Manila sẽ ảnh hưởng đến liên minh Mỹ - Philippines. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng, chấm dứt VFA là động thái sai lầm vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang cố gắng gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế về trật tự tại châu Á. Lầu Năm Góc luôn coi mối quan hệ của mình với Philippines là một yếu tố chống lại tham vọng quân sự đang gia tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Bản thân phía Philippines cũng có nhiều người tỏ ra bất an. Ngoại trưởng Locsin cảnh báo “khai tử” VFA có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ, làm giảm năng lực đối phó của Philippines với các mối đe dọa an ninh quốc gia. Ông còn nhấn mạnh nguy cơ quan hệ kinh tế song phương có nguy cơ chịu vạ lây. Mỹ không chỉ đóng vai trò là đối tác thương mại quan trọng với Manila mà còn là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Philippines. Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines Johnny Pimentel cũng cho rằng nếu VFA bị hủy, Washington sẽ không thể viện trợ kịp thời cho Philippines như trong các đợt bão và động đất trước đây. Bên cạnh đó, gần 300 chiến dịch tập trận mỗi năm cũng như các hoạt động khủng bố và nhân đạo với Mỹ sẽ biến mất theo VFA. Trong khi đó, Giám đốc Viện Hàng hải và luật Biển thuộc Đại học Philippines, ông Jay Batongbacal nhận định VFA là công cụ hiệu quả giúp Philippines kiềm chế được các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên thực địa, trong đó có bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Theo ông, ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana từng thừa nhận điều này.

Thực tế, mối quan hệ song phương đã trở nên xấu đi thời gian qua liên quan đến những chỉ trích của Washington về hồ sơ nhân quyền của Philippines. Do đó, Tổng thống Duterte có xu hướng theo đuổi mối quan hệ thân thiết hơn với cả Trung Quốc và Nga. Thực tế, ông đã ký nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng với Bắc Kinh kể từ khi nhậm chức. Tháng 8 năm ngoái, nhà lãnh đạo Philippines còn thực hiện chuyến thăm Trung Quốc để tăng cường quan hệ. Năm 2019, Tổng thống Duterte cũng đặt chân tới xứ sở Bạch dương để tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhất là lĩnh vực dầu khí.

Sau khi chấm dứt VFA, Philippines và Mỹ sẽ chỉ còn lại hai thỏa thuận quân sự lớn, gồm Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) và Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA). MDT quy định hai bên sẽ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công, còn EDCA cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines. Tuy nhiên, nhiều quan chức và các nhà phân tích cho rằng, nếu VFA bị hủy, EDCA không thể tồn tại một mình và phát huy tác dụng vì nền tảng của EDCA là VFA. Chưa hết, nếu cả VFA và EDCA đều biến mất thì việc thực thi MDT không còn ý nghĩa. 

Linh Anh tổng hợp

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP