Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc của Bộ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh cơ bản, toàn diện các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành lao động, xã hội; 100% bảo đảm đúng phân công, thời hạn theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ. Chất lượng các văn bản pháp luật quy định về chính sách dân tộc và công tác dân tộc ngày càng được nâng cao, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại cuộc làm việc |
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ban hành nhiều chương trình, chính sách triển khai thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, có các chính sách trực tiếp cho người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời có những chính sách chung có ưu tiên cho đối tượng là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các chương trình mục tiêu có nội dung tác động lớn đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ, trẻ em, tạo chuyển đổi trong cơ cấu việc làm, lao động và phát triển theo hướng bền vững…
Trong giai đoạn 2016 - 2021, dù không được giao nhiệm vụ cụ thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc, song đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù phục vụ phát triển đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu, trình ban hành một Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 17 Thông tư về chính sách cho vay, các chương trình, chính sách tín dụng cho một số ngành, lĩnh vực, trong đó có đối tượng tác động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Khẳng định lĩnh vực dân tộc là nội dung khó, liên quan đến trách nhiệm nhiều bộ, ngành khác nhau, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát số lượng cũng như chất lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, làm rõ tính cụ thể, hợp hiến, hợp pháp và trách nhiệm được giao. Đồng thời, đánh giá kỹ các chính sách tín dụng, một trong những trụ cột quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như thế nào?
Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc nêu rõ, việc gửi báo cáo chậm của Bộ gây khó khăn đối với việc xem xét, nghiên cứu, cho ý kiến về nội dung này. Bộ cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc thuộc trách nhiệm của Bộ. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện báo cáo theo hướng chỉ rõ việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm có hỗ trợ việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số và miền núi như thế nào? Hay, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị định hướng dẫn có tác động gì đến dạy nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?