Trong các ý kiến thảo luận ở Hội trường, về cơ bản các ĐBQH đồng tình với các nội dung của Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Các đại biểu đều thống nhất rằng, việc sửa đổi Luật lần này nhằm mục đích thể chế hóa đầy đủ hơn quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế hợp tác xã, góp phần hoàn thiện khung pháp lý để hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời khuyến khích những đối tượng yếm thế hỗ trợ lẫn nhau, cùng tham gia hợp tác xã để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đi sâu vào các vấn đề cụ thể, nhiều ĐBQH còn băn khoăn về định nghĩa hợp tác xã, về nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, về tỷ lệ đóng góp vốn và cách thức phân phối thu nhập đối với các thành viên hợp tác xã và các chính sách ưu đãi đối với loại hình kinh tế này.
Thảo luận về bản chất của hợp tác xã, Các ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ), Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng), Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) và đa số ý kiến của các đại biểu phát biểu đều thống nhất như dự thảo Luật, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, tự chủ, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) lại cho rằng, bản chất của hợp tác xã là một doanh nghiệp, một tổ chức kinh tế xã hội, một hiệp hội mang tính chất kinh tế, xã hội. ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhận định, dự thảo Luật không quy định hợp tác xã là doanh nghiệp nhưng xét về bản chất của các quy định hoạt động của hợp tác xã cho thấy bản chất doanh nghiệp của loại hình kinh tế này. Đại biểu cho rằng, cần khẳng định hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp có những đặc trưng riêng, mà mỗi thành viên đều có ý kiến và quyết định hoạt động chung mà không phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn.
Về quy định góp vốn của thành viên hợp tác xã, nhiều đại biểu đồng tình quy định như dự thảo luật, vốn góp tối đa của thành viên không vượt quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã. ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng quy định này sẽ góp phần thu hút nhiều thành viên tham gia hợp tác xã, đồng thời bảo đảm nguyên tắc hợp tác xã phục vụ lợi ích thành viên mà không phụ thuộc vào vốn đóng góp. Tuy nhiên, cũng có đại biểu đề nghị không quy định mức góp vốn của thành viên hợp tác xã, để phát huy khả năng huy động vốn, quan trọng là bình đẳng không phụ thuộc vốn góp, đây chính là sự khác biệt của hợp tác xã. Riêng ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) đề nghị, mức góp vốn của các thành viên hợp tác xã nên áp dụng như quy định hiện hành là không quá 30%, thay vì 20% như dự thảo luật.
Bàn luận về vấn đề phân phối thu nhập, nhiều đại biểu đồng ý việc phân phối thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải ưu tiên dựa trên mức độ đóng góp của từng thành viên thông qua việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đưa ra nhận định, Luật chỉ nên quy định về nguyên tắc phân phối lợi nhuận cho thành viên chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ. Còn tỷ lệ và hình thức phân phối cụ thể do các thành viên hợp tác xã thống nhất quy định trong Điều lệ Hợp tác xã hoặc do đại hội thành viên quyết định. Không đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) nêu quan điểm, khi phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ chứ không theo tỷ lệ góp vốn sẽ không khích xã viên đóng góp vốn. Mà tình trạng các hợp tác xã đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn thì việc thiếu vốn sẽ lại càng thiếu hơn.
Về quy định quyền cung cấp sản phẩm dịch vụ ra thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên, đa số đại biểu nhất trí rằng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài trên cơ sở đáp ứng đầy đủ nhu cầu chung của các thành viên. ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định này chính là biểu hiện cụ thể tính xã hội, tính cộng đồng của hợp tác xã, đồng thời tăng tính cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ nhằm tăng chất lượng hàng hóa dịch vụ của các hợp tác xã. Không nhất trí hoàn toàn với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) băn khoăn, khác với doanh nghiệp sản phẩm cung ứng cho công chúng, sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã là để cung ứng cho xã viên, vì vậy Luật cần quy định hạn chế cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra ngoài hợp tác xã, tập trung cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho xã viên hợp tác xã.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường cho rằng hợp tác xã là một thành phần kinh tế, một tập hợp nhóm những người yếu thế liên kết lại, hợp tác với nhau cùng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nên cần nghiên cứu, bổ sung một chương quy định đặc thù của từng loại hình hợp tác xã trên cơ sở đó có quy định chính sách ưu đãi thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, vùng, miền, địa bàn, khu vực đặc thù... của từng loại hình này. Các ưu đãi đối với hợp tác xã được các đại biểu đưa ra đề nghị cần tập trung vào ưu đãi về thuế, về địa điểm, về tín dụng, về các hỗ trợ thông tin thị trường, quảng bá mở rộng thị trường, tiếp thị sản phẩm, các hỗ trợ về khoa học công nghệ, về đào tạo nguồn nhân lực... Cũng có ý kiến đề nghị Luật cần xây dựng một chương riêng quy định về hợp tác xã nông nghiệp vì đây là một thành phần quan trọng cần được ưu tiên đặc biệt.

Khắc phục bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng không khí
Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn”, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam và đề xuất các nhóm giải pháp cần tập trung triển khai nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí.