Nhưng cũng có những thói quen người bệnh đái tháo đường nên từ bỏ để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Ăn sáng quá muộn
Nhiều người bệnh đái tháo đường thường ăn sáng quá muộn, ăn sau 9-10 giờ sáng. Thậm chí bỏ luôn ăn sáng vì nghĩ ăn nhiều sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Theo ThS.BS Hồ Khải Hoàn, Phó Trưởng khoa Đái tháo đường - Bệnh viện Nội tiết Trung ương, buổi sáng là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều nhất hormone insulin. Do đó, bữa sáng cho người đái tháo đường rất quan trọng. Ăn sáng có thể cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động thể chất trong buổi sáng.
Đồng thời giúp kiểm soát cơn đói, tránh ăn quá nhiều vào các thời điểm khác trong ngày, giúp giữ lượng đường trong máu ổn định suốt buổi sáng và thậm chí cả ngày.
Nếu ăn sáng quá muộn, thậm chí bỏ bữa sáng sẽ đảo lộn nhịp bài tiết insulin của cơ thể từ đó gây ra rối loạn tiết insulin, dễ gây hạ đường huyết, rối loạn nhịp sinh học, phá vỡ quá trình chuyển hóa và nội tiết bình thường của cơ thể.
Đường trong máu lên xuống thất thường chính là nguyên nhân làm tổn thương thêm tuyến tụy. Chính vì vậy, người bệnh đái tháo đường nên ăn sáng trong khoảng thời gian từ 7 - 8 giờ, muộn nhất là 8 giờ 30 phút.
2. Ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ
Thói quen ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng dầu mỡ cao vào buổi sáng thực sự vô cùng nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường. Vì đây là nhóm thực phẩm có chứa lượng cholesterol cao, có thể làm tăng mỡ máu, tăng đường huyết sau ăn.
Theo Cử nhân điều dưỡng Mai Thị Xuân Mỹ (Khoa Khám bệnh cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường, tỷ lệ chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 30%. Hạn chế các axit béo bão hòa, điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Một nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ đồ chiên rán từ 1 đến 3 lần mỗi tuần có thể làm tăng 15% nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2, từ 7 lần trở lên mỗi tuần làm tăng nguy cơ lên đến 55%.
3. Ăn thực phẩm giàu tinh bột
Nhiều người có thói quen và sở thích ăn bún, mì gạo, cháo vào buổi sáng. Đây đều là thực phẩm chứa nhiều tinh bột, nếu ăn thường xuyên sẽ dễ bị tăng đường huyết với người bệnh đái tháo đường. Để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, tốt nhất không nên ăn nhiều các món này vào bữa sáng.
Thay vào đó, nên chọn một số thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như bột yến mạch, trứng, sữa, rau... Những thực phẩm này vẫn cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể phục vụ cho công việc và học tập nhưng không làm tăng lượng đường trong máu.
Khi đường huyết ổn định, người bệnh đái tháo đường vẫn có thể ăn bún, mì, cháo, xôi… theo liều lượng mà bác sĩ cho phép.
4. Ăn các món nhiều muối
Nhiều người đái tháo đường thường ăn sáng khá đơn giản, có thể chỉ cần một lưng bát nhỏ cơm nguội ăn cùng dưa muối, hoặc ăn một chút bánh mì cùng thịt nguội và cho rằng như vậy sẽ không làm tăng đường huyết. Nhưng đây lại là một sai lầm không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt cực kỳ gây hại cho đường huyết.
Nguyên nhân là do những thực phẩm ướp muối vừa nghèo chất dinh dưỡng lại vừa chứa nhiều muối. Trong khi đó, ăn quá nhiều muối trong thời gian dài không có lợi cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, có thể ảnh hưởng đến huyết áp, gây ra hoặc làm trầm trọng thêm nguy cơ tổn thương mạch máu và thần kinh của bệnh đái tháo đường. Lâu dài sẽ dẫn đến các biến chứng ở tim, mắt, và thận.
5. Bữa sáng không đủ chất xơ
Bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn uống là điều cần thiết cho toàn bộ các chức năng của cơ thể, bao gồm hỗ trợ nhu động ruột khỏe mạnh. Thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp duy trì sức khỏe đường ruột, ít có nguy cơ mắc bệnh trĩ và thậm chí có thể giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp kiểm soát lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Lượng chất xơ cơ thể cần được cung cấp mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính, với phụ nữ cần tối thiểu 21g và nam giới là 30g/ngày.
Bánh mì nướng và ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả sẽ là những lựa chọn tuyệt vời với người bệnh đái tháo đường. Những gì bạn cần tránh là bánh mì nướng trắng với mứt và ngũ cốc có thêm đường.
6. Không tiêu thụ đủ protein
Mặc dù có thể kết hợp việc nạp protein vào bữa trưa hoặc bữa tối, nhưng điều quan trọng là nên ăn protein như một phần của bữa sáng cân bằng.
Vì đối với người bệnh đái tháo đường, sau một đêm ngủ dậy dự trữ năng lượng giảm, khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống. Protein giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, đồng thời không làm tăng cao đường huyết, nên được bổ sung nhiều vào bữa sáng để tránh tình trạng mệt mỏi.
Xây dựng bữa ăn phù hợp với người bệnh đái tháo đường
Đối với người bệnh đái tháo đường, trong chế độ ăn cần bao gồm 4 nhóm thực phẩm, cho dù là vào bữa sáng hay các thời điểm khác trong ngày. Chúng bao gồm:
- Chất xơ, chẳng hạn như bột yến mạch, bánh mì ngũ cốc và bánh nướng xốp nguyên cám/lúa mì.
- Protein nạc, chẳng hạn như trứng, cá, đậu hoặc các loại hạt…
- Chất béo lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu, bơ, bơ ăn cỏ và sữa, dừa và các loại hạt.
- Các loại rau không chứa tinh bột, chẳng hạn như ớt, cà chua, hành tây và đặc biệt là rau lá xanh đậm.