Theo đó, báo cáo ban đầu chiều ngày 14.2 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bạc Liêu thông tin, tại Bạc Liêu ghi nhận 1 vụ nghi ngờ ngộ độc rượu (tại bữa tiệc gia đình) xảy ra vào ngày 11.2 (mùng 2 Tết) làm 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người đã tử vong.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tại địa phương tập trung cấp cứu và điều trị bệnh nhân, tiến hành điều tra, xác định rõ nguyên nhân gây ngộ độc.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng ngành Công Thương truy xuất nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc, kịp thời ngăn chặn việc đưa ra lưu thông trên thị trường và tiêu thụ các loại rượu có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm (nếu có).
Theo các chuyên gia y tế, dịp trước và sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm số bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng mạnh.
Trong các sản phẩm rượu, bia thông thường đều có chứa chất cồn ethanol. Ở giai đoạn ngộ độc mãn tính, chất ethanol có khả năng gây ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh, có nguy cơ giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Còn với ngộ độc rượu do uống rượu chứa methanol (cồn công nghiệp), mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều bởi chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, methanol khi vào cơ thể cần được cơ thể chuyển hóa thành a xít formic, đây là chất gây tổn thương não, mù mắt và một loạt hậu quả khác. Quy trình chuyển hóa gây độc của methanol lại chậm, sẽ càng đặc biệt chậm khi trong máu có cả thành phần rượu thông thường là ethanol, do ethanol cạnh tranh chuyển hóa với cồn nghiệp methanol.
“Thực tế này hay gặp ở Việt Nam khi uống “rượu rởm” chứa cồn công nghiệp methanol pha trộn với rượu thông thường là ethanol, hoặc sau uống “rượu rởm” lại uống tiếp các bữa rượu thông thường. Tuy nhiên, cồn công nghiệp methanol cũng được đảo thải rất chậm, kết hợp với chuyển hóa bị chậm nên chất độc tồn tại trong cơ thể tới hàng tuần sau và nguy cơ gây tổn thương mắt và não ở nhiều ngày sau nếu không được điều trị”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay.