Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho các gia đình quân nhân hiếm muộn trong toàn quân. Trong số 20 gia đình nhận hỗ trợ năm 2021, 2022; đến nay, đã có 17 em bé chào đời, một số gia đình đang mang thai ở những tuần cuối thai kỳ, số còn lại trong quá trình thực hiện.
Năm 2023, ngay sau khi thông tin chương trình được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã nhận được hàng trăm hồ sơ của các gia đình quân nhân hiếm muộn từ khắp nơi trên cả nước gửi về. Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện đã làm việc công tâm, xét duyệt kỹ lưỡng từng trường hợp để chọn ra 10 gia đình để trao tặng 10 gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí Thụ tinh trong ống nghiệm dành cho quân nhân năm 2023.
10 gia đình được lựa chọn sẽ được Bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi….), khoảng 100 triệu đồng tuỳ từng trường hợp.
Khắc khoải mong con…
Có mặt tại buổi lễ, các gia đình nhận hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí đã chia sẻ hoàn cảnh của mình. Mỗi gia đình mỗi câu chuyện, dù khác nhau nhưng đều có chung một nỗi niềm - đó là khát khao mong con.
Vợ chồng Thượng úy Nguyễn Đình Đức (công tác tại Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) và chị Võ Thị Thanh, quê Nghệ An là một trong 10 cặp vợ chồng được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội lựa chọn trao tặng gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm.
Kết hôn từ năm 2020 nhưng sau 3 năm mong ngóng con, anh Đức và chị Thanh vẫn chưa được cảm nhận hạnh phúc làm cha mẹ, bởi những rào cản cả về kinh tế cùng khoảng cách địa lý xa xôi, cách trở giữa hai vợ chồng. Thời điểm mới cưới, anh Đức đóng quân tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, còn chị Thanh làm việc và sinh sống ở thành phố Lai Châu. Đúng thời điểm dịch Covid-19 năm 2020-2021 bùng phát, thêm khoảng cách gần 400km nên cơ hội vợ chồng gần gũi nhau rất ít.
Chị Thanh chia sẻ, có những thời điểm 7- 8 tháng vợ chồng không gặp nhau, chị phải một mình bắt xe vào đơn vị để gặp chồng với mong muốn sớm có tin vui, nhưng niềm mong mỏi đó vẫn không thành hiện thực.
Năm 2022, vợ chồng anh Đức bắt đầu xuống Hà Nội thăm khám sức khỏe sinh sản, bác sĩ chẩn đoán anh Đức bị tinh trùng yếu, dị dạng nhiều; chị Thanh gặp tình trạng vòi trứng phải thông hạn chế, khó có con tự nhiên. Biết được tình trạng sức khỏe của mình nhưng vợ chồng anh chị chưa một lần dám nghĩ đến việc can thiệp kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm bởi rào cản về kinh tế gia đình.
Là con trai út trong gia đình, bố anh Đức bị khuyết tật nặng, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nhược cơ từ năm 2004, phải dùng thuốc điều trị hàng ngày và mất khả năng lao động. Một mình anh Đức lo kinh tế gia đình, nên hai vợ chồng phải tạm gác lại hành trình tìm con để tập trung kinh tế chăm lo cho bố mẹ già yếu.
Hay như hoàn cảnh của anh Trung úy Nguyễn Văn Đồng, công tác tại Sư đoàn 395 - Quân khu 3 và vợ là chị Đinh Thị Lan Anh, quê Thái Bình. Sau khoảng thời gian yêu nhau 2 năm, năm 2019, anh Đồng và chị Lan Anh tiến tới hôn nhân, cùng nhau xây dựng mái ấm.
6 tháng sau kết hôn mà chưa có con, lo lắng về tình hình sức khỏe sinh sản, vợ chồng anh chị đi thăm khám và được bác sĩ kết luận chị Lan Anh bị buồng trứng đa nang. Sốt ruột chuyện con cái, hai vợ chồng chị tìm đến những bài thuốc lá. Ai mách đâu có thuốc hay thầy giỏi, họ đều tìm đến, nhưng kết quả vẫn vô vọng.
Đến đầu năm 2023, vợ chồng anh Đồng đi thăm khám lại sức khỏe sinh sản và được chỉ định làm Thụ tinh nhân tạo - Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Tuy nhiên, 3 lần IUI không kết quả đã lấy đi cả sức khỏe thể chất và tinh thần của vợ chồng anh chị.
Hành trình tìm con trở nên khó khăn hơn khi gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của cặp vợ chồng trẻ. Hoàn cảnh gia đình anh Đồng khó khăn, phải lo kinh tế nuôi bố đẻ đang bị tai biến tại quê nhà.
Biết đến chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa" 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh Đồng đã gửi hồ sơ xét duyệt và may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình nhận quyết định hỗ trợ 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm.
Tiếp thêm động lực giúp các gia đình rút ngắn khoảng cách trên hành trình tìm con
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc điều hành Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa sâu về y học, giới tính, sức khỏe sinh sản, vô sinh hiếm muộn. Bên cạnh công tác chuyên môn, bệnh viện chú trọng đến các hoạt động cộng đồng.
Đặc biệt, thấu hiểu khó khăn đặc thù của quân nhân đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, cũng như khát khao mong muốn về mái ấm gia đình trọn vẹn, từ năm 2021 đến nay, Bệnh viện Nam học hiếm muộn Hà Nội đã phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội đã triển khai chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa".
Bên cạnh ưu đãi, hỗ trợ chi phí thực hiện hỗ trợ sinh sản, bệnh viện dành tặng mỗi năm 10 ca thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% cho các gia đình quân nhân hiếm muộn thông qua hình thức xét duyệt hồ sơ.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, năm 2023, chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa" đã nhận được rất nhiều hồ sơ từ khắp các đơn vị trong toàn quân. Trải qua quá trình xét tuyển minh bạch và công tâm, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã lựa chọn 10 gia đình quân nhân hiếm muộn để trao tặng các gói hỗ trợ nhân văn.
“Bệnh viện hy vọng sự hỗ trợ lần này sẽ tiếp thêm động lực và giúp các gia đình rút ngắn khoảng cách trên hành trình tìm con vốn nhiều khó khăn và vất vả. Qua mỗi năm, chúng tôi rất vui mừng khi biết đã có rất nhiều gia đình quân nhân hiếm muộn đón được con yêu; rất nhiều “quả ngọt” - những hạnh phúc đã được ươm mầm và kết trái nhờ hỗ trợ thiết thực của chương trình. Mong rằng chương trình sẽ là nơi chắp cánh và hiện thực hóa giấc mơ làm cha, làm mẹ của các gia đình quân nhân”, Giám đốc điều hành Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội bày tỏ.
Theo ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhiều trường hợp quân nhân thường xuyên phải công tác xa gia đình, đặc biệt là những đồng chí công tác nơi tuyến đầu Tổ quốc, vì đặc thù công việc mà chưa thể có con, muộn con.
Chính vì vậy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội muốn được sẻ chia, hỗ trợ các gia đình quân nhân để hành trình tìm con yêu được thuận lợi dễ dàng hơn.
“17 em bé đã chào đời khỏe mạnh từ 20 gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF 2 năm qua không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng các gia đình mà còn là nguồn động lực to lớn đối với các bác sĩ trên hành trình sắp tới. Kết quả này cũng chính là thông điệp yêu thương mà chúng tôi muốn trao gửi đến các gia đình quân nhân: hãy lạc quan, nỗ lực và vững tin vào ngày mai tươi đẹp, bởi nhất định con yêu sẽ về”, ThS.BS Lê Thị Thu Hiền nói.
Năm 2023, ngoài 10 cặp vợ chồng quân nhân nhận quyết định hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội còn hỗ trợ 18 trường hợp gia đình quân nhân hiếm muộn khác một phần chi phí thực hiện IVF. Tổng mỗi gói hỗ trợ cho mỗi trường hợp khoảng 20 - 30 triệu đồng.