Xử lý thế nào khi chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng lao động mà không báo trước?

Xin hỏi, việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo trước có bị phạt tiền không? – Câu hỏi của bạn Minh Đức (Đồng Nai).

Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo trước bị phạt bao nhiêu tiền? -0
Ảnh minh họa/ITN

Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo trước bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo khoản 1, Điều 11, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo hoặc thông báo không rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động;

...

Căn cứ theo khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, Điều 45; khoản 3, Điều 46, Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

...

Theo đó, người sử dụng lao động có hành vi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo trước 03 ngày làm việc thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đây là mức phạt áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm. Còn đối với người sử dụng lao động là tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì sẽ bị phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động có giữ nguyên tiền lương của công việc cũ không?

Căn cứ theo khoản 3, Điều 29, Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Điều 29. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

...

3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

...

Như vậy, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì sẽ được trả lương theo công việc mới.

Trường hợp tiền lương của công việc mới thấp hơn mức lương của công việc cũ thì được trả lương theo công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.

Đồng thời, tiền lương của công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc cũ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp nào?

Căn cứ theo khoản 2, Điều 35, Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong các trường hợp dưới đây:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, ngoại trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 29, Bộ luật Lao động 2019.

- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn theo quy định tại khoản 4, Điều 97, Bộ luật Lao động 2019.

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1, Điều 138, Bộ luật Lao động 2019.

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169, Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Giải đáp pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả
Pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện.