Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên tại Hệ thống giáo dục FPT: Gian lận có thể đến từ nhiều khâu
Việc lọt đề thi môn Ngữ Văn có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả của các thí sinh khác nếu hành vi chỉ là cá nhân khoe đề thi trên mạng xã hội, chứ không phải với mục đích giải đề và tiếp tục chia sẻ thông tin đến nhiều thí sinh; đây là việc cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ thời gian tới.
Tuy nhiên, vụ việc cũng cho thấy, tính kỷ luật của kỳ thi đã bị vi phạm, lỗ hổng vẫn xuất hiện, mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các bộ, ban, ngành trong công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Thực tế một khi kỳ thi đã đưa về địa phương, với số lượng điểm thi lớn thì việc kiểm soát, bảo đảm kỳ thi an toàn, công bằng, minh bạch là thách thức vô cùng lớn.
Chúng ta đã trải qua nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT, gian lận có thể đến từ rất nhiều khâu, từ ra đề thi (vụ đề Sinh năm 2021), chấm thi (vụ gian lận điểm thi năm 2018) và hoàn toàn có thể đến từ khâu coi thi (năm nay). Quy trình có chặt chẽ đến đâu cũng là do con người làm ra, nên công bằng, minh bạch hay không đến từ lương tâm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Bên cạnh việc lựa chọn người tham gia công tác thi, tập huấn kỹ càng, phụ cấp xứng đáng, thì cần có hành lang pháp lý với mức xử phạt rõ ràng, thích đáng, đủ sức răn đe, từ đó nâng cao trách nhiệm của người tham gia công tác thi.
Sau sự việc lọt đề thi môn Ngữ Văn, các điểm thi, hội đồng thi cần phải rà soát toàn bộ quy trình, nhân sự, tăng cường các biện pháp phát hiện gian lận. Đây mới là mấu chốt vì kỳ thi vẫn còn diễn ra. Việc điều tra đương nhiên là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là bảo đảm tất cả các môn thi còn lại diễn ra an toàn và nghiêm túc.
Thầy Nguyễn Quý Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội: Chú trọng tuyên truyền về tầm quan trọng của bảo mật đề thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Công an xác định cá nhân nào sai phạm, cố tình làm lộ đề thi, sai phạm ở khâu nào, thời gian, địa điểm nào. Theo kinh nghiệm làm thi nhiều năm, tôi thấy rằng, nếu các điểm thi làm việc nghiêm túc, đúng quy chế thì sẽ khó đưa được đáp án, bài giải vào phòng thi.
Tuy nhiên, thực tế là thiết bị gian lận hiện nay thực sự rất tinh vi, ngay cả lực lượng công an nhiều khi cũng khó phát hiện thì bản thân các giám thị là thầy cô giáo không có chuyên môn về an ninh sẽ càng khó phát hiện sai phạm.
Vấn đề bảo mật đề thi của một kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp THPT vốn luôn được coi trọng. Bởi kết quả kỳ thi không chỉ dùng để đánh giá chất lượng giáo dục mà còn để xét tuyển cao đẳng, đại học. Dù vậy, qua sự việc lần này cho thấy, mỗi thí sinh, mỗi cán bộ có liên quan phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo mật đề thi.
Để lọt, lộ đề thi trong bất cứ trường hợp nào ít nhiều đều ảnh hưởng đến chất lượng, tính công bằng của kỳ thi. Trong quá trình thi, việc lọt đề thi ra bên ngoài sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của cha mẹ, học sinh và gây ra sự nghi ngờ trong dư luận là tổ chức của kỳ thi chưa thực tốt. Đây là việc cần rút kinh nghiệm.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng tìm ra những kẻ cố tình làm lộ đề thi để cha mẹ và các em học sinh yên tâm thi các môn thi còn lại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thi cử
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc truyền thông tin dễ dàng; do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định thí sinh, cán bộ, giáo viên coi thi không được sử dụng điện thoại, các thiết bị có hệ thống thu phát tín hiệu. Tuy nhiên, đã xảy ra việc tại một điểm thi nào đó để lọt thiết bị ghi hình vào phòng thi và sau đó đề thi được đăng lên mạng khi thời gian thi chưa kết thúc.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Công an để xác minh, điều tra làm rõ việc đề thi bị lộ tại điểm thi nào. Nhưng qua vụ việc này cũng cho thấy, ở khâu kiểm soát đầu vào, giám thị coi thi không có kinh nghiệm rất dễ xảy ra tình trạng lọt đề thi, gian lận thi cử, không bảo đảm tính công bằng, minh bạch của kỳ thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng nói rất nhiều về việc phòng chống gian lận thi cử, nhưng trong hàng vạn cán bộ coi thi, chỉ cần 1 - 2 người làm chưa đúng trách nhiệm của mình, 1 - 2 thí sinh gian lận, sẽ thành “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Vì vậy, bên cạnh chú trọng công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi chặt chẽ hơn nữa, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc các trường hợp gian lận thi cử để bảo đảm quyền lợi và sự công bằng cho tất cả thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chưa ghi nhận thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài vào phòng thi; để bảo đảm an toàn cho các môn thi tiếp theo, Bộ đã đề nghị Hội đồng thi các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường phương án phòng ngừa thiết bị công nghệ cao để hạn chế tối đa việc có thể gian lận trong phòng thi, quản lý chặt chẽ đề thi theo quy định.