Nhiều “lỗ hổng”
Nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, từ năm 2021 đến nay, công tác bảo đảm ATVSLĐ tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực… Tuy vậy, khảo sát tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh mới đây cho thấy, còn nhiều "lỗ hổng" trong công tác bảo đảm môi trường an toàn lao động và sức khỏe cho người lao động.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn lao động, làm 20 người tử vong, 17 người bị thương nặng, 22 người bị thương nhẹ; trong năm 2023, qua khám bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp, toàn tỉnh phát hiện 82 người lao động bị bệnh nghề nghiệp.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái chỉ rõ: công tác quản lý và tổ chức thực hiện các quy định về ATVSLĐ ở nhiều doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Cụ thể, tại các cụm công nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh ngành nghề có nguy cơ cao về ATVSLĐ như sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu; các trang phục, phương tiện bảo hộ đối với người lao động chưa bảo đảm... Ở các làng nghề, hầu hết người lao động thiếu nhận thức, kiến thức về ATVSLĐ và chưa được trang bị đầy đủ, phương tiện, trang phục bảo hộ lao động, cơ sở vật chất lạc hậu.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Thu Nhi cũng nêu thực tế: công tác quan trắc môi trường lao động để tìm ra các yếu tố có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và công tác khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp… ít được các doanh nghiệp quan tâm… “Câu chuyện 5 công nhân bị tử vong do mắc bụi phổi Silic tại Công ty TNHH Châu Tiến (KCN Nam Cấm, Nghi Lộc) đã chứng minh rõ điều này. Qua giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định của Bộ Y tế đối với những lao động từng làm việc tại doanh nghiệp này đã xác định, có 76 người bị bệnh nghề nghiệp với mức suy giảm khả năng lao động từ 11 - 90%”, bà Nhi dẫn chứng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ sử dụng phân xưởng do chưa bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn bố trí người lao động vào sản xuất.
Liên quan đến nguy cơ mất an toàn cháy nổ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Duy Thanh cho biết: các khu, cụm công nghiệp nhỏ hình thành thời gian trước thì việc khắc phục có những khó khăn, thậm chí có những doanh nghiệp không thể khắc phục được… Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cũng cho thấy: môi trường lao động ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang rung hồi chuông cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn lao động.
Tạo thay đổi về tác phong, kỷ luật của người lao động
Theo Giám đốc Sở LĐ, TB và XH Đoàn Hồng Vũ, vấn đề ATVSLĐ vừa rộng, vừa có tính đặc thù, vừa có tính khoa học kỹ thuật và quy trình, quy phạm phức tạp. Cùng đó, ý thức chấp hành pháp luật của không ít doanh nghiệp còn hạn chế; người lao động thì thiếu kiến thức, kỹ năng… Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật từ doanh nghiệp của các cấp, các ngành chưa nhiều. Trong 3 năm (2021 - 2023), cơ quan chức năng chỉ thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ tại hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh/tổng hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động toàn tỉnh (chiếm khoảng 2% doanh nghiệp được kiểm tra mỗi năm).
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đánh giá: chất lượng thanh tra, kiểm tra chưa tốt, chưa đeo bám để xử lý đến cùng các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát. Minh chứng, trong hơn 1.000 doanh nghiệp được kiểm tra, chỉ phát hiện và xử lý 23 doanh nghiệp vi phạm với số tiền 648 triệu đồng... Tại phiên giải trình chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề do Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng: để công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ hiệu quả hơn, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và chủ sử dụng lao động; tạo môi trường thu hút đầu tư và phát triển lâu dài của tỉnh… đòi hỏi các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp.
Theo đó, bên cạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền cần rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thanh tra, quản lý về ATVSLĐ; đeo bám, đôn đốc xử lý sau thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý đến cùng các kết luận sai phạm của các chủ sử dụng lao động và người lao động, tạo sự thay đổi về tác phong, kỷ luật lao động của người lao động... Đồng thời, các cấp, các ngành cần quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai các biện pháp phòng ngừa, cải thiện môi trường lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thừa nhận thực trạng chấp hành pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, đánh giá nhằm làm rõ hơn để có “bức tranh” toàn cảnh về ATVSLĐ, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm, kể cả dừng hoạt động của doanh nghiệp…