Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND thị xã Phú Mỹ, năm 2019, Trần Quang Minh (48 tuổi, trú quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) mua hơn 10.000 m2 đất trồng cây lâu năm của ông Châu Văn Thời Hai trên núi Thị Vải (phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Sau đó, ông Thời Hai nói với Minh rằng muốn bán số cây rừng trên mảnh đất liền kề với mảnh đất Minh đã mua, giá bán là 300 triệu đồng. Ông Thời Hai cũng nói rằng đây là đất do Nhà nước quản lý, nhưng trên đất có nhiều cây rừng xen lẫn với mít, chuối, điều, bạch đàn.
Lần này, Minh chỉ mua một nửa số cây trên đất với giá 150 triệu đồng. Số cây còn lại được những người khác mua với giá 150 triệu đồng.
Tháng 11.2020, Minh thuê ông Võ Văn Lý (ngụ thị xã Phú Mỹ) đào phá lấy cây trên đất mà mình đã mua của ông Hai, lấp bằng phẳng, dùng đá kè tạo bậc thang, đào ao, kè ao trên mảnh đất này. Sau đó, Minh tiếp tục thuê người chặt hạ cây đã mua. Những người mua số cây còn lại của ông Hai cũng nhờ Minh đốn cây, tạo mặt bằng, san gạt đất.
Cáo trạng truy tố của Viện KSND thị xã Phú Mỹ xác định, Trần Quang Minh đã thuê người phá gần 18.000m2 đất rừng phòng hộ đầu nguồn. Khu đất rừng phòng hộ này có chức năng chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước ngầm do Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý. Tổng giá trị thiệt hại của vụ việc là hơn 170 triệu đồng.
Cơ quan chức năng xác định việc bị cáo Trần Quang Minh hủy hoại rừng xảy ra hơn 6 tháng có trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm và cán bộ ban quản lý. Do đó đã điều tra, truy tố, xét xử đối với 4 cán bộ gồm: Trần Xuân Hướng (Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên); Tạ Thanh Tùng (viên chức Trạm quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên); Lê Văn Sinh (Trưởng Trạm kiểm lâm địa bàn Núi Dinh - Thị Vải) và Nguyễn Kim Bình (kiểm lâm viên).
Tại phiên toà, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Quang Minh) cho rằng, vụ án có dấu hiệu che giấu nhiều sự thật khách quan và tác động bởi những thông tin dư luận không chính xác. Quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, cũng như tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy phần đất mà bị cáo Minh bị cáo buộc là huỷ hoại rừng là đất trồng cây ăn quả của ông Châu Văn Thời Hai, khai hoang từ năm 1983, 1984.
Thời điểm này, ông Hai khai hoang khoảng 8 ha để trồng cây ăn trái, đến năm 2002 thì được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 5ha, còn lại gần 3ha, theo lời ông Hai là vì không đủ tiền đóng thuế nên chưa xin cấp sổ. Tại hiện trạng, cũng như lời khai của các bị cáo là kiểm lâm viên, viên chức bảo vệ rừng, nhân chứng đều khẳng định, phần diện tích bị cáo buộc là huỷ hoại rừng chỉ toàn là cây ăn trái lâu năm do ông Hai trồng.
Mặt khác, tại buổi thẩm vấn công khai tại phiên toà, đại diện Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng xác nhận, ranh mốc giới rừng 2002 ban hành theo Quyết định 2670/2002 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang chồng lần lên phần đất của dân, trong đó có phần đất của ông Hai, cả phần được cấp sổ cũng như phần diện tích mà ông Hai bán cho ông Minh, ông Thư, mà đang bị quy kết là huỷ hoại rừng phòng hộ.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng, vụ án còn nhiều điểm chưa sáng tỏ, có dấu hiệu bỏ lọt chứng cứ, dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp nên đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, các luật sư khác cũng có cùng quan điểm.
Dự kiến ngày 27.10, TAND thị xã Phú Mỹ sẽ tuyên án.