Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nguyên nhân chủ quan là do sự thoái hóa biến chất của một số cán bộ, công chức, người được giao quyền thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản công dẫn đến thất thoát, tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân khách quan, đó là một số quy định pháp luật trong lĩnh vực này chưa chặt chẽ, rõ ràng, chồng chéo, bất cập gây khó khăn rất lớn trong việc đấu thầu mua sắm tài sản công. Đặc biệt là các gói thầu mua sắm lớn, gồm nhiều mặt hàng, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị, nhất là liên quan đến trang thiết bị y tế, giáo dục...
Minh chứng là nhiều vụ việc được xác định không có bất cứ hành vi tham nhũng, tiêu cực hay lợi ích nhóm, vụ lợi cá nhân nào nhưng vẫn xảy ra thiếu sót, sai phạm. Thậm chí, nhiều cơ quan, tổ chức đã được phân bổ kinh phí nhưng không dám mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác vì sợ sai phạm, do pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể, thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết.
Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị mua sắm tài sản công có cùng chủng loại, mặt hàng như nhau nhưng mỗi nơi áp dụng, thực hiện quy trình mua sắm mỗi kiểu, nhất là việc khảo sát giá, áp giá, cách tính chi phí thực tế... khác nhau. Hay, tình trạng một địa phương đã làm rồi thì các địa phương khác "bắt chước" làm theo đồng loạt.
Do đó, để giải quyết triệt để tình trạng thất thoát, tham nhũng, tiêu cực cũng như hạn chế bất cập, chồng chéo do quy định pháp luật gây ra trong hoạt động này, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy trình thống nhất về đấu thầu mua sắm tài sản công cụ thể, rõ ràng để triển khai trên toàn quốc. Theo đó, các ngành, lĩnh vực tương đồng về chức năng, nhiệm vụ sẽ có bộ quy chuẩn để mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ cho công tác, hoạt động trong lĩnh vực của mình. Các đơn vị liên quan cứ theo quy trình đó áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến các địa phương.
Ngoài ra, cần sớm triển khai việc mua sắm tập trung, công khai, minh bạch đối với tất cả các loại hàng hóa, sản phẩm có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, chương trình, dự án được viện trợ từ nước ngoài. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quản lý, kiểm soát tài sản công phải định kỳ ban hành quy trình cụ thể để hướng dẫn việc thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản công. Từ việc thông báo giá hàng tháng, thậm chí hàng tuần một cách chính xác, kịp thời cho đến việc lập dự toán, lập hồ sơ mời thầu, khảo sát giá, áp giá và việc thanh, quyết toán… Tuyệt đối không nên để các địa phương, đơn vị tự "mày mò" rồi triển khai không thống nhất, mỗi nơi một kiểu, tùy tiện, sai quy định dẫn đến hành vi sai phạm gây thất thoát, lãng phí...