Phá bỏ rào cản về bản quyền
Theo Phó Chủ nhiệm Thư viện, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Trần Xuân Bản, quá trình nghiên cứu, khảo sát 7/20 trường đại học sư phạm trên toàn quốc, gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Vinh, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, có thể thấy, nguồn tài nguyên nội sinh tại các trường là rất lớn, với tổng số 77.799 đơn vị tài liệu. Tuy nhiên, con số thực tế được cập nhật lớn hơn nhiều trong thời gian sắp tới.
Một đặc điểm cho thấy, thế mạnh của nguồn tài nguyên nội sinh trên đó là mặc dù với số lượng lớn, nhưng không có sự trùng lặp về mặt dữ liệu bởi mỗi tài liệu, mỗi một đơn vị thông tin đều có giá trị. Tất cả các nguồn trên đã được các trường triển khai phổ biến tới bạn đọc bằng các bộ sưu tập số được quản lý bởi các phần mềm thư viện điện tử.
Ông Trần Xuân Bản cho biết, nếu như các vấn đề về pháp lý, bản quyền là rào cản lớn trong việc phát triển nguồn OER (nguồn học liệu mở) thì với cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, khi các bên có sự hợp tác và cam kết về mặt bản quyền, giới hạn trong phạm vi nhóm cộng đồng (nhóm người dùng các trường sư phạm) thì những rào cản trên sẽ được phá bỏ.
Hiện tại, 7 trường sư phạm đã có phần mềm để xây dựng và phát triển các bộ sưu tập số, phát triển thư viện điện tử và các phần mềm trên đều đáp ứng đầy đủ về thư viện như tiêu chuẩn về biểu ghi dữ liệu thư mục Marc21, Dublin Core, tiêu chuẩn về trao đổi dữ liệu. Do đó, khi triển khai CSDL dùng chung, các đơn vị thành viên không phải tiến hành biên mục lại mà chỉ cần cập nhật lên hệ thống dùng chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý trực tiếp của 7 trường đại học sư phạm chủ chốt, rất thuận tiện cho việc định hướng, chỉ đạo các trường trong việc xây dựng CSDL và đầu tư kinh phí khi hướng đi này đem lại hiệu quả thiết thực cho các trường.
Chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm số hóa
Trên cơ sở nghiên cứu về tính hữu ích và tính khả thi của việc xây dựng CSDL dùng chung cho khối các trường đại học sư phạm, ông Trần Xuân Bản đề xuất, hệ thống cần có điều kiện vận hành gồm: Hệ thống máy chủ cho phép lưu trữ dữ liệu lớn; hệ thống phần mềm quản trị đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn ICT và tiêu chuẩn nghiệp vụ thư viện, thư viện điện tử cho phép tạo lập, vận hành và phân phối nguồn tài nguyên số thông qua tài khoản người dùng.
Các cam kết về bản quyền cần thiết giữa các bên với nguyên lý hoạt động: Các thư viện thành viên hoạt động độc lập trong hệ thống riêng của mình đối với các hoạt động nghiệp vụ như số hóa, biên mục số, đánh chỉ mục... Ban đầu, các thành viên sẽ chuyển đổi toàn bộ dữ liệu số lên CSDL dùng chung. Theo định kỳ, các thành viên sẽ tự động cập nhật dữ liệu số của hệ thống mình lên CSDL dùng chung. Dữ liệu cập nhật lên hệ thống chung sẽ chỉ bao gồm các dữ liệu số và các siêu dữ liệu tương ứng, không cập nhật dữ liệu thư mục quản lý tài liệu in.
Một thư viện hoặc một nhóm chuyên gia sẽ được lựa chọn làm nhóm quản trị hệ thống dựa vào năng lực về công nghệ thông tin và cơ sở vật chất của đơn vị. Nhóm này sẽ có nhiệm vụ quản trị phần mềm, quản trị máy chủ, phân quyền sử dụng, cập nhật dữ liệu lên hệ thống và cấp tài khoản người sử dụng; điều phối các hoạt động nghiệp vụ khác của hệ thống. Bạn đọc của các thư viện thành viên được cấp tài khoản truy cập cá nhân. Phần mềm tìm kiếm tập trung có thể được áp dụng để hỗ trợ bạn đọc trong quá trình tìm kiếm, không phải thực hiện thao tác tìm kiếm trên nhiều hệ thống.
Để mô hình CSDL nội sinh dùng chung cho khối các trường đại học sư phạm có thể được triển khai hiệu quả, ông Trần Xuân Bản khuyến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với tư cách là cơ quan quản lý trực tiếp các trường đại học sư phạm chủ chốt nên có những định hướng và chỉ đạo cụ thể cho các trường trong việc phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở, hướng đến việc xây dựng CSDL nội sinh dùng chung.
Các trường đại học khối sư phạm cần chủ động liên kết, trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm số hóa, quản trị sưu tập số và các vấn đề liên quan; nghiên cứu tính khả thi của mô hình; xác định lợi ích đem lại đối với các bên liên quan khi xây dựng CSDL dùng chung. Hơn nữa, cần thu thập và số hóa đầy đủ nguồn tài liệu nội sinh của các trường khối sư phạm.
"Con số gần 80 nghìn đơn vị tài liệu nội sinh tương đối lớn, song, con số này có thể lớn hơn nhiều vì hiện tại khi tiến hành xây dựng các bộ sưu tập số tài liệu nội sinh, các thư viện chủ yếu khai thác nguồn tài liệu số có sẵn, được sản sinh 10 năm gần đây; còn một số lượng lớn tài liệu nội sinh ở dạng bản in vẫn chưa được số hóa và khai thác hiệu quả. Để xây dựng CSDL dùng chung với số lượng dữ liệu lớn, đầy đủ, các thư viện thành viên cần triển khai các dự án số hóa hướng đến tất cả các loại hình tài liệu nội sinh đang có" - ông Bản cho hay.