Tham dự có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Cùng dự có Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng; Phụ trách UNODC tại Việt Nam Nguyễn Nguyệt Minh; đại diện các Đoàn Đại biểu Quốc hội, bộ, ngành và đông đảo chuyên gia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong những năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường và đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, khả thi, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cũng cho thấy, chất lượng xây dựng một số văn bản chưa cao, vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định của Đảng nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật còn chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau; quá trình thực hiện có lúc còn chưa nghiêm, ý thức, trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên có chức năng tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật chưa cao.
Do đó, Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, trong năm 2022, Ủy ban Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua trong năm 2023. Hội thảo lần này sẽ góp phần làm rõ hơn về thực trạng, nhận diện các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật và xây dựng cơ chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề làm thế nào để nhận diện các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tiêu cực trong xây dựng chính sách pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, cùng với việc ban hành các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương để nâng cao hơn nữa trách nhiệm phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác này. Bên cạnh đó, trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuy chưa có quy định về khái niệm lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực và các quy định trực tiếp về biện pháp phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng về cơ bản đã thiết kế được cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tình trạng này.
Tuy vậy, các đại biểu cho rằng, xuất phát từ đặc thù của hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm nhiều khâu, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hơn nữa, hành vi cài đặt lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thường diễn ra tinh vi, khó phát hiện mối quan hệ giữa biểu hiện bên ngoài và động cơ thực sự bên trong nên khi phát hiện thì để chứng minh và xử lý trách nhiệm cũng rất phức tạp. Đôi khi, hậu quả thường không xảy ra ngay trong tương lai gần.
Vì vậy, cần công khai, minh bạch các quy trình trong xây dựng pháp luật, cùng với đó quy trách nhiệm, có chế tài xử lý đối với các chủ thể có hành vi sai phạm. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện chính sách của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia giám sát của nhân dân đối với quá trình xây dựng pháp luật.