Từ khi được thành lập đến nay, Cộng đồng Pháp ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh lương thực ở các nước thành viên thông qua các tổ chức và cơ chế của mình, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển và những nơi dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, xung đột hoặc khủng hoảng kinh tế.
Với các chương trình giáo dục và đào tạo, Cộng đồng Pháp ngữ đã giúp các nước thành viên cải thiện kỹ năng sản xuất nông nghiệp, bảo quản thực phẩm và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ các quốc gia thành viên tiếp cận công nghệ và các phương pháp canh tác bền vững hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn tài chính và viện trợ cho các dự án an ninh lương thực qua các đối tác quốc tế; thúc đẩy các dự án giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện khả năng phục hồi trước hạn hán, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác, hỗ trợ các sáng kiến bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo nguồn thực phẩm lâu dài cho người dân.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay Việt Nam đã bảo đảm lương thực cho 100 triệu dân và xuất khẩu đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Riêng năm 2024, xuất khẩu nông sản đạt 62,5 tỷ USD và thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt 17,9 tỷ USD.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án hợp tác Nam - Nam và ba Bên trong lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Một trong những mục đích chính là nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác với các nước thuộc liên minh châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ, Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng được xác định là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố với lợi thế sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước là lúa, trái cây và thủy sản đã đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây toàn quốc.
Tuy nhiên, Cần Thơ cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức như: tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng mới đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao; các loại tài nguyên truyền thống trong nông nghiệp như đất đai, lao động đang giảm và xu hướng giảm ngày càng tăng nhanh theo định hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa; Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của ngành nông nghiệp.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ, các đại biểu đề nghị, thông qua việc thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, các nước thành viên trong cộng đồng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phù hợp với hoàn cảnh địa phương; lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa về việc thúc đẩy chính sách an ninh lương thực công bằng và bền vững tại các diễn đàn quốc tế; nhấn mạnh quyền tiếp cận thực phẩm như một quyền cơ bản của con người, đấu tranh cho sự bình đẳng trong phân phối tài nguyên, triển khai các dự án hỗ trợ người dân địa phương tự chủ về lương thực, từ đó giảm sự phụ thuộc vào viện trợ và tăng cường các chuỗi giá trị nông nghiệp để cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.