Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF chủ trì và phát biểu bế mạc.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà – Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Chủ tịch Phân ban Việt Nam tại APF và lãnh đạo APF, đại diện nghị viện các nước thành viên APF...
Đề xuất thông qua Nghị quyết tăng cường hợp tác nghị viện Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn khẳng định, sau một ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, Diễn đàn nghị viện với chủ đề Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu đã hoàn thành toàn bộ chương trình và thành công tốt đẹp.
Diễn đàn đã được đón nhận sự tham dự của các nghị sĩ thành viên Ban Chấp hành APF, các nghị sĩ Pháp ngữ từ tất cả các châu lục, đông đảo các vị Lãnh đạo cấp cao của Quốc hội Việt Nam, các vị Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao cũng như đại diện một số đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế.
Các phiên thảo luận chuyên đề của Diễn đàn về “Hợp tác pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững”, “Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực” và “Chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu” đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu, bao gồm cả những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị về chủ đề của Diễn đàn.
"Thông qua thảo luận, chúng ta đã đạt được những nhận thức chung, được thể hiện trong Tuyên bố Cần Thơ về hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ Pháp ngữ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chung tay giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Với thành công của Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trân trọng đề nghị Ban Chấp hành APF xem xét thông qua một Nghị quyết về tăng cường hợp tác nghị viện Pháp ngữ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu trong không gian Pháp ngữ; đồng thời, APF cũng như các Phân ban thành viên APF lan tỏa kết quả của Diễn đàn, đặc biệt trong kỳ Đại hội đồng APF lần thứ 50.
"Đây chắc chắn sẽ là sự ghi nhận và khẳng định cho những nỗ lực và hành động của Cộng đồng Pháp ngữ nói chung và các nghị sĩ Pháp ngữ nói riêng, trong nỗ lực chung nhằm xây dựng một không gian Pháp ngữ đa dạng, đoàn kết và phát triển. Tôi cũng đề nghị APF và kêu gọi các Phân ban thành viên tích cực triển khai thực hiện Tuyên bố Cần Thơ; phối hợp cùng các đối tác phát triển tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau, triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác nhiều bên để phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và là Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ, cộng tác đắc lực của toàn thể Ban Chấp hành APF, các Phân ban thành viên, các nghị sĩ, đội ngũ chuyên gia, cán bộ của Ban Tổng Thư ký APF, của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, Cơ quan phát triển Pháp, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)…
Cảm ơn sự tham gia đóng góp của các cơ quan của Quốc hội Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam; các cơ quan thông tấn báo chí; và đặc biệt cảm ơn chính quyền và người dân Thành phố Cần Thơ đã tận tâm, tận lực, góp phần quan trọng cho sự thành công của sự kiện.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn và Hội nghị Ban Chấp hành APF, các đại biểu sẽ thăm thực địa một số địa điểm tiêu biểu về phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo sinh kế của người dân trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu; ghé thăm những gian trưng bày giới thiệu về thành quả phát triển nông nghiệp bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Để đón chào các đại biểu đến từ khắp các châu lục tham dự Diễn đàn và Hội nghị vào đúng dịp Tết, thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội hoa xuân và các hoạt động văn hóa, tái hiện không gian Tết cổ truyền Nam Bộ…, góp phần làm nên một sự kiện sôi động, phong phú và thành công, trong một không gian Pháp ngữ với sự đa dạng văn hóa, đoàn kết và thành công.
Thông qua Tuyên bố Cần Thơ
Với 3 phiên chuyên đề, các đại biểu, nghị sĩ các nước thành viên và các chuyên gia, tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận về: Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững; Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực; Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các đại biểu đã thống nhất thông qua Tuyên bố Cần Thơ về hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Diễn đàn, các đại biểu hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về việc tổ chức Diễn đàn hợp tác nghị viện Pháp ngữ nhằm thảo luận về các biện pháp góp phần thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong không gian Pháp ngữ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu và khuyến khích việc các sáng kiến tương tự liên quan của các nghị viện thành viên cộng đồng Pháp ngữ; đánh giá cao việc Diễn đàn đã tạo điều kiện chia sẻ thông tin, tạo điều kiện để các bên cùng thảo luận, học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác phát triển nhằm góp phần đảm bảo đạt được mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu thống nhất tầm quan trọng của nông nghiệp ở các nước, vùng lãnh thổ thành viên APF và mối liên hệ với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất hệ sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bất bình đẳng xã hội cũng như nhu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới các thực tiễn nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và hành động khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghị viện và sự tham gia của các nghị sĩ trong việc xây dựng và thúc đẩy triển khai các chính sách, quy định nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực; nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác quốc tế và hợp tác đa chủ thể, bao gồm hợp tác liên nghị viện, liên chính phủ cũng như các mô hình hợp tác Bắc - Nam và Nam - Nam, hợp tác ba bên, bốn bên, hợp tác công - tư, sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu. Quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương chịu tác động sâu sắc bởi biến đổi khí hậu trong xây dựng và thực thi các chính sách, quy định nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực.
Các đại biểu hoan nghênh việc triển khai áp dụng Tài liệu hướng dẫn công tác lập pháp của APF về biến đổi khí hậu, nhằm hỗ trợ nỗ lực của các nghị viện Pháp ngữ trong việc thực hiện Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các quốc gia nằm trong không gian Pháp ngữ. Đồng thời, khuyến khích các nghị sĩ và nghị viện thành viên Pháp ngữ tiếp tục hành động mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, khuôn khổ chính sách, định hướng chiến lược bảo đảm mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tạo động lực và đồng hành cùng các Chính phủ thành viên trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với mục tiêu và các nguyên tắc liên quan của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris, các hiệp định liên quan và điều kiện thực tế của các nước và vùng lãnh thổ thành viên Pháp ngữ.