Hiện nay, các trường học đã và đang xây dựng chương trình phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, đa số những tài liệu phục vụ cho các chương trình này là tài liệu nước ngoài được biên dịch lại bởi các tổ chức phi chính phủ hoặc được biên soạn lại bởi các tác giả Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với PGS.TS. Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia về tâm lý học trẻ em.
Độ tuổi bị xâm hại tình dục ở trẻ em ngày càng thấp
- Xâm hại tình dục (XHTD) ở trẻ em là một vấn đề đang gây nhức nhối trong cộng đồng. Dưới góc độ chuyên gia, ông cho biết tầm quan trọng và sự cần thiết của các chương trình giáo dục phòng chống XHTD ở trẻ em?
- Thống kê của Bộ Công an cho biết, trong 9 tháng năm 2022, cả nước đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ em.
Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.
Còn theo báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 tại Kỳ họp Quốc hội thứ IV cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%.
Con số trên chỉ là phần nhỏ so với thực tế vì rất nhiều nạn nhân đã không dám lên tiếng. Một số nhóm trẻ em có thể có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao hơn. Đó là trẻ em di cư, trẻ em khuyết tật, trẻ lang thang kiếm sống bằng những nghề như đánh giày, bán báo, bán kẹo cao su, bán vé số hoặc làm giúp việc, trông trẻ hoặc làm việc trong các nhà hàng và quán bia/rượu.
Mặc dù có nhiều chính sách bảo vệ trẻ em đã được triển khai và có sự tham gia của 16 cơ quan bảo vệ trẻ em, xong số liệu báo cáo của các cơ quan chức năng trong những năm gần đây cho thấy vấn nạn này đang có xu hướng gia tăng và tính chất, mức độ ngày càng phức tạp.
Độ tuổi của trẻ bị XHTD ngày càng thấp. Nếu như trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi, thì nay xuất hiện rất nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13 tuổi. Tình trạng gia tăng số vụ xâm hại tình dục trẻ em trai cũng trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, các tổ chức bảo vệ trẻ em đều khẳng định việc giáo dục phòng ngừa là công tác quan trọng nhất để hạn chế xâm hại tình dục trẻ em. Giáo dục không chỉ cần thiết cho trẻ mà còn cho phụ huynh và giáo viên, cần sự đồng thuận và chung tay tham gia của các lực lượng xã hội.
Một trong những chiến lược phòng chống xâm hại tình dục trẻ em hiệu quả nhất là các chương trình giáo dục được thiết kế giảng dạy trên môi trường học đường. Những chương trình giáo dục như vậy đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và cho thấy những tác động, những hiệu quả nhất định đối với các em học sinh.
- Vậy các chương trình giáo dục phòng chống XHTD ở trẻ em trên môi trường học đường tại Việt Nam hiện đang được triển khai thế nào thưa ông?
- Tại Việt Nam, có nhiều chương trình giáo dục phòng ngừa XHTD ở trẻ em được triển khai áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên đa số những tài liệu phục vụ cho các chương trình này là tài liệu nước ngoài được biên dịch lại bởi các tổ chức phi chính phủ hoặc được biên soạn lại bởi các tác giả Việt Nam.
Cụ thể, nhiều chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em theo các tiếp cận như tiếp cận cộng đồng (community based), tiếp cận gia đình (family based), tiếp cận tại chỗ (placed based) theo hướng tiếp cận của ngành Y, … Nhưng tiếp cận giáo dục phòng chống xâm hại tình dục dựa trên cơ sở học đường (school-based) đóng vai trò quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất.
Dựa trên nội dung và cách thức tổ chức triển khai chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục đi trước ở nước ngoài đã được chứng minh có hiệu quả đồng thời dựa trên tình hình thực tế các vấn đề ở thanh thiếu niên Việt Nam, chúng tôi đã xây dựng nội dung chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em. Chương trình gồm 8 mô-đun tích hợp vào nội dung sinh hoạt của Nhà trường trong 15 tuần, học trong 1 học kỳ.
Chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em định hướng đến đối tượng học sinh trong độ tuổi 10-13. Đây là giai đoạn dậy thì của các em và có sự thay đổi mạnh về tâm, sinh lý, phát sinh rất nhiều vấn đề về mặt hành vi.
Đặc biệt đây cũng là lứa tuổi sinh ra trong thời đại số hóa, tiếp cận sớm với sự bùng phát của công nghệ số. Việc các em học sinh tham gia nhiều các nền tảng số cũng làm xuất hiện không ít những nguy cơ tiềm ẩn XHTD trên không gian mạng.
Chương trình không chỉ cung cấp cho các em các kiến thức cơ bản để hiểu rõ, nhận diện rõ các hành vi XHTD mà còn hỗ trợ các em biết cách tự tìm hiểu về bản thân và cách bảo vệ bản thân trước những hành vi XHTD. Đồng thời chương trình cũng cung cấp các thông tin hữu ích và giúp các em thực hành, rèn luyện các kỹ năng trau dồi bản năng tự vệ của bản thân.
Nhận diện hành vi phù hợp
-Ông chia sẻ cụ thể hơn về chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em?
- Chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ emgồm 8 mô đun, trong đó, các em học về các khái niệm cơ bản như: Nhận diện những hành vi phù hợp, tôn trọng, những cách thức lành mạnh để thể hiện cảm xúc, tình yêu, tình bạn và chỉ ra những điểm đáng quan tâm trong mối quan hệ giữa các nhân vật trong nhiều tình huống trên phim; Kể lại những tình huống và hành vi là biểu hiện của hành vi dẫn dụ, quấy rối, lạm dụng, tấn công, bóc lột tình dục, và cả những hành vi không đứng đắn mang hàm ý tình dục trong phim và trong đời sống thực; Nhận diện hành vi bạo lực tình dục trong mối quan hệ lãng mạn và trong các cuộc hẹn hò...
Sau đó, học sinh thực hành giải thích cho bạn mình rằng không có quyền động chạm người khác khi họ không muốn việc đó cho dù hành vi động chạm có hàm ý tình dục hay không; cách thiết lập các giới hạn về động chạm, giới hạn về xã hội và cảm xúc với người khác căn cứ vào tính chất của mối quan hệ; vai trò của người qua đường có thể làm tăng, phòng ngừa, hỗ trợ dừng hành vi xâm hại hoặc hỗ trợ nạn nhân như thế nào và làm thế nào để lôi kéo họ tham gia hỗ trợ.
Tiếp theo là các em học về tìm kiếm các nguồn tài liệu về sức khoẻ như: xác định những người lớn có thể tin cậy, những dịch vụ đáng tin cậy, những người có thể cung cấp thông tin khoa học và chính xác về vấn đề sức khoẻ và xâm hại tình dục;
Thực hành kỹ năng yêu cầu hỗ trợ, kỹ năng báo cáo hành vi không phù hợp về tình dục, hành vi dẫn dụ, quấy rối, lạm dụng, tấn công tình dục, …; Tự tìm kiếm thông tin về quy định pháp luật bảo vệ người bị quấy rối, lạm dụng, tấn công tình dục; Hiểu về khái niệm sự đồng ý của cá nhân trên tinh thần chủ động không bị o bế, ép buộc.
Ngoài ra, các em thực hành về quản lý hành vi bảo vệ sức khoẻ bản thân; phân tích các tác nhân chủ quan và khách quan; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng ra quyết định. Sau đó, thực hành tổng hợp là tổ chức biên kịch, đóng vai theo nhóm cách thức xử lý một tình huống cụ thể dưới dạng sân khấu hoá trong đó vận dụng tất cả kỹ năng đã được học để giải quyết một cách hợp lý các tình huống phát sinh...
Với cách thức này, thông qua việc giáo dục tại trường học, các bài giảng hữu ích có khả năng tiếp cận với số lượng lớn học sinh cũng như giúp các em có cơ hội được giao lưu và chia sẻ với các chuyên gia học đường, chuyên gia sức khoẻ tâm thần, chuyên gia y tế, …
Trân trọng cảm ơn ông!